A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế mạnh nông nghiệp chắp cánh cho Đam Rông phát triển

Lâm Đồng – Từ một vùng quê khó khăn, sau 20 năm thành lập, huyện Đam Rông đã vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, hiện đại.

Thế mạnh nông nghiệp chắp cánh cho Đam Rông phát triển

Huyện Đam Rông đã và đang áp dụng những kỹ thuật canh tác tiến tiến vào trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đình Quang

Khai thác tiềm năng, đi lên cùng nông nghiệp

Sau 20 năm hình thành và phát triển, từ gian khó đi lên, hôm nay huyện Đam Rông đã khoác lên mình một diện mạo mới đầy khởi sắc.

Đi trên các xã Đạ R'sal, Rô Men, Đạ K'Nàng, Phi Liêng... nhìn từ xa đã thấy những vườn cây trái xanh mướt, nhà kính hiện đại bọc quanh những con đường nhựa, đường bê tông phẳng lì uốn lượn qua các bản làng tạo nên bức tranh sống động.

Người dân nơi đây không chỉ duy trì cây cà phê truyền thống mà mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây kinh tế có giá trị cao như sầu riêng, bơ và rau củ quả sạch.

Việc áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Qua đó, góp phần đổi thay diện mạo vùng đất này một cách ngoạn mục.

Hiện nay, huyện Đam Rông đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp sạch, chất lượng cao và bền vững. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, huyện đã xây dựng và phát triển ba tiểu vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tiểu vùng I bao gồm các xã Rô Men, Liêng S’rônh, và Đạ R’sal. Khu vực này tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển ở huyện Đam Rông. Ảnh: Đình Quang

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển ở huyện Đam Rông. Ảnh: Đình Quang

Các sản phẩm chủ lực bao gồm sầu riêng, bơ, cam, bưởi, dâu tằm và cá nước lạnh. Công nghệ tiên tiến sẽ được các địa phương áp dụng để nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường.

Tiểu vùng II bao gồm các xã Phi Liêng, Đạ K'nàng sẽ phát triển cà phê, mắc ca và rau củ quả, kết nối hơn 1.100 hộ nông dân, tiêu thụ 11.550 tấn nông sản mỗi năm.

Tiểu vùng III là xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông kết hợp du lịch sinh thái với nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản và thúc đẩy phát triển kết hợp du lịch.

Điển hình là anh Phí Văn Thìn, người đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao Phi Liêng vào năm 2020, với mục tiêu sản xuất nông sản sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ban đầu, hợp tác xã tập trung của anh Thìn tập trung vào các cây trồng giá trị cao như cà chua bi, ớt chuông và dưa leo trong nhà kính.

Để đáp ứng yêu cầu thị trường về chất lượng, hợp tác xã đã chuyển hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ nuôi côn trùng thiên địch thay vì sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

Theo anh Thìn, khí hậu mát mẻ của Phi Liêng rất phù hợp cho cây ớt chuông và cà chua phát triển. Trong lộ trình phát triển, năm 2022, hợp tác xã đã cung cấp 280.000 cây giống và hỗ trợ gần 200 tấn phân bón giá rẻ cho nông dân.

sadfkas

Khí hậu ở huyện Đam Rông phù hợp với trồng ớt chuông và cà chua. Ảnh: Đình Quang

Đặc biệt, hợp tác xã đã bao tiêu sản phẩm cho 7 thành viên và 33 nông hộ liên kết, đạt sản lượng 600 tấn nông sản, mang về doanh thu 15 tỉ đồng/năm. Thành công này đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ của hợp tác xã và cộng đồng nông dân trong khu vực.

Nông nghiệp tiếp đà phát triển bền vững

Theo UBND huyện Đam Rông, hiện nay, diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đã đạt hơn 23.000ha, tăng 2.106ha so với năm 2022.

Tổng sản lượng lương thực đạt 18.600 tấn/năm. Giá trị thu nhập trung bình đạt 170 triệu đồng/ha/năm, tăng 38 triệu đồng so với năm 2022.

Cây sầu riêng hiện chiếm 3.015ha, sản lượng niên vụ 2023 - 2024 đạt 11.500 tấn, mang lại giá trị trên 500 tỉ đồng. Diện tích nuôi cá tầm đạt 14,3ha, sản lượng trung bình 1.200 tấn/năm, với giá trị kinh tế lên đến 216 tỉ đồng.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng cho thấy lợi nhuận vượt trội, với rau và hoa thương phẩm đạt 850 - 1.000 triệu đồng/ha/năm.

Những thành tựu đạt được là minh chứng cho sự thành công trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Đam Rông.

Theo UBND huyện Đam Rông, hiện nay, địa phương đang không ngừng cải thiện và mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Huyện hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp với xu thế hiện đại.

Sự kết hợp giữa công nghệ cao, sản xuất hữu cơ và du lịch sinh thái đang dần hình thành một nền kinh tế nông nghiệp tiên tiến. Những nỗ lực này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật