Phát triển kinh tế xanh, Bạc Liêu đi nhanh, bền vững
Với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bạc Liêu có đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế - xã hội xanh, nhanh và bền vững. Đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ, du lịch.
Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Xóa tan ấn tượng về một vùng đất nghèo, có vị trí địa lý cách xa các khu trung tâm kinh tế lớn của cả nước, cơ cấu kinh tế lạc hậu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, Bạc Liêu hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng năm 2022, tỉnh có 15/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Công nhân sơ chế tôm phục vụ xuất khẩu |
GRDP ước cả năm tăng 9,6%, xếp thứ 4/13 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 15/63 các tỉnh, thành trên cả nước. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, vượt 25,7% dự toán, tăng 10,7% so với năm 2021.
Nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; Sản lượng thủy sản tăng 14,6%. Hiện tỉnh đã có 49/49 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; Trong đó, 15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước cả năm tăng 17,12% - mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Hiện, tỉnh có 8 dự án điện gió hoạt động hiệu quả với tổng công suất là 469,2 MW (thứ 3 cả nước), tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kWh/năm.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng. An sinh xã hội được bảo đảm; Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Quốc phòng an ninh, chủ quyền lãnh thổ được củng cố; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định...
Đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (thứ tư từ trái qua) trao Bằng khen cho doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu năm 2022 |
Có được thành quả đó là nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực, dám nghĩ dám làm và quan trọng hơn là tinh thần sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bạc Liêu; Đồng thời, còn có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Kết quả tiêu biểu của sự sáng tạo ấy là việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió. Là tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có bờ biển dài 56km với bãi bồi rộng và tương đối bằng phẳng. Vùng ven biển Bạc Liêu có gió mạnh và khá ổn định, tốc độ gió bình quân là 6,5 - 7 m/s.
Đây cũng là tỉnh hầu như quanh năm có nắng, tổng số giờ nắng trong năm khoảng 2.200-2.700 giờ, cường độ bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày, lại rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sóng thần, động đất. Đó là những lợi thế rất lớn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời; Có thể kể đến 6 dự án điện gió trên biển với tổng quy mô công suất 349,2 kWh, đứng thứ 5 cả nước về quy mô công suất điện gió trên biển, đang từng bước trở thành những điểm tham quan biển đặc sắc của đồng bằng sông Cửu Long.
Bước tiến dài trong ngành công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Bạc Liêu đó là trong 10 năm có 10 dự án nhà máy điện gió. Bên cạnh một số dự án điện gió tiếp tục mời gọi đầu tư, tỉnh còn thu hút đầu tư nhiều lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp và đặc biệt là 66 dự án thương mại dịch vụ bất động sản như chợ, trung tâm thương mại, chợ kết hợp nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị, khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp… tại TP Bạc Liêu và các khu vực vệ tinh như Hòa Bình, Giá Rai, Phước Long…
Dồn mọi nguồn lực đẩy mạnh 5 trụ cột phát triển kinh tế
Khác với các tỉnh, thành khác trên cả nước, Bạc Liêu xây dựng rõ ràng lộ trình phát triển cho riêng mình bằng cách xác định rõ 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thế mạnh và tiềm năng sẵn có của mình. Đó là: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chủ lực là tôm, lúa gạo; Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và điện khí); Phát triển du lịch; Phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh).
Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát 3 nón lá) tại thành phố Bạc Liêu |
Đồng thời, Bạc Liêu định hướng phát triển là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước; Là một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia và trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, với thế mạnh hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, từ lâu Đảng bộ tỉnh đã xác định nông nghiệp chính là trụ đỡ của nền kinh tế, với 2/5 trụ cột quan trọng được tập trung phát triển là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kinh tế biển.
Nói đến nông nghiệp Bạc Liêu phải nói về ngành Thủy sản, trọng tâm là nuôi tôm. Trong tình hình xâm nhập mặn ngày càng tăng và xu thế tiêu dùng trên thế giới hướng mạnh về thủy sản thì với sản lượng tôm nuôi chiếm 15% cả nước, Bạc Liêu đang đứng trước cơ hội trong cuộc đua để trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của quốc gia.
Mục đích ấy phải đặt ra song hành với việc xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, hiệu quả và vững bền. Con đường phát triển theo hướng sinh thái và áp dụng công nghệ cao là hướng đi rõ ràng.
Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, trong năm 2023, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bạc Liêu đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như: Xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu lúa gạo. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nguồn năng lượng tái tạo điện gió là tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu |
Đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Địa phương xác định tiếp tục thu hút các nhà đầu tư điện gió khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ Dự án điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW; Xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia; Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch của tỉnh”.
Bên cạnh đó, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là Bạc Liêu để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I. Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách quan tâm đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh; đặc biệt cần vận động, khơi dậy tinh thần vươn lên làm giàu tại chỗ của người dân; Giữ gìn bản sắc văn hóa, du lịch vùng Nam Bộ..
“Với việc không ngừng phát huy tiềm năng và khát vọng phát triển, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung hóa giải các nguy cơ trở thành thời cơ và tiếp tục chung sức, chung lòng vì một Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.