A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lấy lại vị thế TP Hồ Chí Minh

Tại “Hội thảo khoa học tham vấn định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2026 - 2030”, diễn ra mới đây, một số ý kiến cho rằng vị thế của TP HCM đang bị “xói mòn”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đánh giá này dựa trên một số số liệu. Cụ thể như sự suy giảm là tỷ trọng đóng góp của TP vào GDP cả nước và ngân sách cũng như tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu. Khoảng 5 năm trước, tỷ trọng đóng góp xuất khẩu của khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM, chiếm trên 50% cả nước, nhưng hiện chỉ còn khoảng 1/3. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng đã đóng góp 53% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này cho thấy TP HCM và vùng Đông Nam Bộ đang có sự suy giảm về vị thế và khả năng cạnh tranh.

Cấu trúc kinh tế của TP xuất hiện dấu hiệu suy giảm sản xuất công nghiệp. Hiện tỷ trọng sản xuất công nghiệp của TP chỉ chiếm khoảng 24% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Công nghiệp vẫn là “mặt trận hàng đầu” của TP nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm đi. Trong khi đó, dịch vụ và thương mại cũng là lĩnh vực quan trọng của TP nhưng lại chưa đủ mạnh và vững chắc.

Trước đó, trong cuộc làm việc với TP hồi giữa tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá trong gần 40 năm qua, từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, TP luôn là địa phương đóng góp lớn cho cả nước trên cả phương diện GDP, thu ngân sách, năng suất lao động, cơ chế, chính sách mới, mô hình kinh doanh mới; nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới, cách làm mới thường được triển khai rồi lan tỏa nhân rộng cả nước.

Nhưng TP đang có xu hướng phát triển chậm lại so với một số đô thị lớn trong khu vực về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, chất lượng sống. TP gặp khó khăn, bất cập trong quy hoạch quản lý đô thị, nhiều dự án hạ tầng, đầu tư lớn bị chậm tiến độ. Kết cấu hạ tầng TP ngày càng quá tải; phát triển văn hóa chưa tương xứng vai trò, vị trí. Đáng chú ý, tinh thần tiên phong và vị thế dẫn đầu của TP đang suy giảm; không còn giữ vai trò dẫn đầu trong một số chỉ tiêu quan trọng.

Để khắc phục những điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu quan điểm: “Tinh thần là tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bền vững hơn nữa”.

Tại cuộc làm việc, đại diện UBND TP đã thẳng thắn trình bày các nguyên nhân như các động lực tăng trưởng đang có vấn đề; có những “điểm nghẽn” về quy định, hạ tầng giao thông, kết nối. Nhiều tồn đọng chưa được giải quyết như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, các vấn đề liên quan SCB, Vạn Thịnh Phát, Thủ Thiêm... Những vấn đề này nếu được tháo gỡ sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn cho sự phát triển. “TP hoàn toàn có cơ sở để tăng trưởng 2 con số từ 2030 trở về sau và tiếp tục giữ cương vị đầu tàu, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng của cả nước”, đại diện UBND TP tin tưởng.

TP HCM xưa nay không chỉ nổi tiếng là đô thị lớn bậc nhất cả nước, mà còn là vùng đất mưa thuận gió hòa, phong cách sống năng động, hào sảng, bao dung, nhân ái, là nơi “đất lành chim đậu”… Hơn 300 năm trước và mãi mãi sau này, những yếu tố đó ít nơi nào có thể hội tụ đủ. Sau những tang thương như đại dịch COVID-19, sau những mất mát trong một số vụ đại án gây ra…, TP HCM đã và đang vượt qua, nhất định sẽ lấy lại vị thế đầu tàu.


Tác giả: Minh Khang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan