Dự báo các ngành tăng trưởng tốt nửa cuối năm 2024 và năm 2025
Theo BSC, nhóm ngành phi tài chính tiếp tục là sẽ là nhóm dẫn dắt, chỉ báo cho xu hướng phục hồi của nền kinh tế và tiếp tục lầ động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận cả thị trường nửa cuối năm.
Trong báo cáo triển vọng ngành nửa cuối năm 2024, CTCK BSC đánh giá với việc áp lực tỷ giá dự báo hạ nhiệt khi Fed tiến hành cắt giảm lãi suất, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nửa cuối năm 2024 sẽ được tiếp tục hỗ trợ chủ yếu từ chi phí lãi vay giảm, giảm lỗ tỷ giá, tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, đi kèm theo đó là mức nền thấp của Q3/2023.
Theo BSC, nhóm ngành phi tài chính tiếp tục là sẽ là nhóm dẫn dắt, chỉ báo cho xu hướng phục hồi của nền kinh tế và tiếp tục lầ động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận cả thị trường nửa cuối năm. BSC kỳ vọng sự phục hồi lợi nhuận nhóm ngành tài chính sẽ dần cải thiện khi kinh tế phục hồi đặc biệt ở nhóm ngân hàng, với việc 3 quý liên tiếp quay trở lại mức tăng trưởng dương.
Bên cạnh đó, BSC tiếp tục duy trì triển vọng khả quan năm 2025 cho các ngành Công nghệ thông tin, Khu công nghiệp, Thủy sản , Bán lẻ F&B, Vật liệu xây dựng, Dệt may, Tiện ích, Ngân hàng, Hóa chất – Phân bón, Dầu khí và Vận tải biển.
Ngành BĐS Khu công nghiệp: BSC nhận thấy tăng trưởng FDI đang có xu hướng chậm lại. Nguyên nhân đến từ việc căng thẳng chính trị và thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng từ năm 2024, trong khi Việt Nam chưa có các chính sách hỗ trợ, do đó, đã hạn chế các doanh nghiệp lớn mở rộng sản xuất sang Việt Nam.
Quyết định 227/QĐ-TTg ngày 12/03/2024 đã mở khóa chỉ tiêu sử dụng đất, chủ yếu tập trung vào các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh (+780 ha), Thái Bình (+700 ha), Hưng Yên (+360 ha). BSC kỳ vọng điều này sẽ giúp các doanh nghiệp bàn giao được đất KCN hiện hữu (như KBC – dự án Nam Sơn Hạp Lĩnh); và đẩy nhanh được tiến độ pháp lý các dự án KCN mới (như DPR – Dự án Bắc Đồng Phú Mở rộng) trong nửa cuối 2024 – 2025.
Ngành dệt may: BSC kỳ vọng triển vọng đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu sẽ duy trì tích cực trong nửa cuối 2024 với động lực đến từ nhu cầu hồi phục tại Mỹ, trong khi mức tồn kho vẫn còn thấp; và đơn hàng/đơn giá cải thiện theo nhu cầu.
Ngành thủy sản: Đối với triển vọng trong nửa cuối và 2025, BSC cho rằng sản lượng xuất khẩu cá tra sẽ duy trì xu hướng hồi phục, tuy nhiên giá xuất khẩu sẽ không hồi phục nhanh và mạnh như chu kỳ cá tra trước đó (2021 – 2022).
Ngành vận tải biển: Theo BCS, giá cước các hợp đồng cho thuê tàu định hạn ký mới sẽ cải thiện mạnh so với cùng kỳ trong nửa cuối 2024 và sản lượng và giá tự khai thác hồi phục.
Ngành Tiêu dùng - bán lẻ: BSC kỳ vọng KQKD của các doanh nghiệp hàng đầu ngành Tiêu dùng – Bán lẻ sẽ duy trì xu hướng tích cực trong nửa cuối 2024 nhờ chính sách kích thích kinh tế trong nước dẫn dắt xu hướng phục hồi của nhu cầu tiêu dùng gồm: duy trì mức thuế VAT 8% đến hết năm 2024, tăng lương cơ sở từ 1/7/2024,… Và tận dụng lợi thế cạnh tranh mở rộng tập khách hàng và thị phần, bước đầu ghi nhận tăng trưởng về sản lượng kinh doanh khi nhu cầu chưa cải thiện đáng kể trong năm 2024 và duy trì đà tăng trưởng nhờ kỳ vọng đơn giá trung bình/đơn hàng trong năm 2025.
Ngành dầu khí: BSC đưa ra quan điểm trung lập đối với ngành Dầu khí trong nửa cuối 2024 khi Lô B - Ô Môn chưa chính thức có FID. Tuy nhiên, BSC kỳ vọng tình hình sẽ khả quan hơn trong năm 2025 do kỳ vọng các doanh nghiệp dầu khí ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận so với 2024 đến từ tăng trưởng từ mức nền thấp 2024 (BSR) do không tiến hành bảo dưỡng tổng thể; ghi nhận doanh thu lợi nhuận liên quan đến dự án Lô B - Ô Môn (PVS, PVB, PVD) và tăng trưởng khí LNG và LPG bù đắp cho sự sụt giảm khí truyền thống khi nhà máy Nhơn Trạch 3 đi vào hoạt động (GAS).
Ngành phân bón: Ngành phân bón kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách VAT nhưng ghi nhận chi phí sản xuất tăng. Phân bón chịu áp lực giảm giá từ việc lượng phân bón nhập khẩu tăng tuy nhiên BSC vẫn duy trì kỳ vọng giá phân bón sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nhờ nhu cầu cải thiện nhờ mùa vụ Đông Xuân và giá nông sản duy trì mức cao.
Ngành hóa chất: BSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ hoá chất phục hồi với động lực đến từ xuất khẩu hoá chất phục hồi và nhu cầu sử dụng hoá chất được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử.