A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiện thực hóa “siêu dự án”, mở không gian phát triển Vùng Thủ đô

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3 cùng với 4 dự án giao thông lớn. Nếu cả khoá XIV chỉ có 1 dự án quan trọng quốc gia thì ngay kỳ họp này có đến 5 dự án quan trọng quốc gia được thông qua. Điều này cho thấy sự tích cực của Quốc hội, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương trong quyết tâm tạo nên những chuyển biến tích cực về hạ tầng giao thông và mở ra các không gian phát triển. Với Hà Nội, sau hơn 10 năm ấp ủ, thành phố cùng các tỉnh liên quan đã có cơ hội hiện thực hóa “siêu” dự án này.

Giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án có tổng diện tích đất khoảng 1.341ha; Sử dụng hình thức đầu tư hỗn hợp, giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Về tiến độ thực hiện, chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV trước khi được Quốc hội thông qua

Chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV trước khi được Quốc hội thông qua

Đi qua Hà Nội 58,2km, những kỳ vọng mà dự án Vành đai 4 mang lại cho Thủ đô là không nhỏ, đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển, tạo liên kết vùng… Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, dự án Vành đai 4 vừa giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa có tầm nhìn dài hạn. Khó khăn trước mắt là tình trạng quá tải hạ tầng khi lâu nay, thành phố Hà Nội tập trung hút dân và phát triển ở khu vực trung tâm, gây nên những bất cập về tắc đường, úng ngập, ô nhiễm môi trường… Các đô thị vệ tinh mặc dù đã được thành phố đưa vào quy hoạch, chủ trương nhưng 10 năm nay không phát triển được vì không có hạ tầng kết nối.

Trên thực tế, Hà Nội nằm trong cấu trúc Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô mở rộng đến 9 tỉnh, TP khác bao gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang nhưng vẫn chưa thể phát huy hết vai trò, tiềm năng, thế mạnh tương xứng với vị thế trên.

Ngược lại, Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn khi đảm nhiệm vai trò phân bổ, trung chuyển các luồng lưu thông của Vùng Thủ đô. Thành phố và cả Vùng Thủ đô đang lệ thuộc quá nhiều vào Vành đai 3. Sự kết nối từ hạt nhân trung tâm đi các địa phương lân cận, cũng như hướng quá cảnh Thủ đô đều bị chi phối bởi tuyến đường vốn đã quá tải này.

Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường cửa ngõ và trung tâm Thủ đô, nhất là các dịp nghỉ lễ, Tết khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng vọt, tạo nên những điểm ách tắc lớn với thời gian kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hạ tầng giao thông được kết nối, mở rộng kết hợp với quy hoạch 2 bên đường để giãn dân, chuyển các cơ quan ra ngoại thành… sẽ tạo không gian phát triển mới. Từ đó, từng bước giải quyết các vấn đề bất cập của nội thành, phát triển đồng bộ giao thông ngầm, các tuyến đường sắt trên cao... Xa hơn là “bảo vệ” được hệ thống những di tích, di sản trong nội đô.

Hiện thực hóa “siêu dự án”, mở không gian phát triển Vùng Thủ đô

Mạng lưới hạ tầng giao thông khung Vùng Thủ đô (vành đai, hướng tâm)

Theo nhiều chuyên gia, việc kết nối giao thông Vùng Thủ đô không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn giúp giải quyết những thách thức do bài toán tăng dân số cơ học mà Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới đang phải đối mặt.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, việc hình thành các tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, kết nối mạng lưới giao thông để giãn áp lực về đô thị và lưu lượng giao thông tập trung vào khu vực trung tâm các thành phố, mà còn tạo sự liên kết không gian đô thị, thêm các nguồn lực phát triển vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đặc biệt, Vành đai 4 là tuyến đường đầu tiên tạo một vòng kết nối các tỉnh xung quanh Hà Nội để tạo ra mối liên kết, hợp tác, phối hợp các hoạt động kinh tế xã hội trong vùng Thủ đô. Tuyến đường hình thành sẽ biến các vùng đất đang được sử dụng không hiệu quả với giá trị thấp hiện nay thành các trung tâm công nghiệp, thương mại, đô thị trong tương lại, vừa có ý nghĩa phân bổ lại các hoạt động kinh tế trong vùng, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tạo không gian phát triển

Với Vành đai 4, không chỉ hệ thống đường bộ của Vùng Thủ đô được hoàn thiện, xuyên suốt, kết nối đến cả 10 địa phương, mà đó còn là bàn đạp tiếp cận đến các khu vực kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh. Như đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đã nhận định: Dự án Vành đai 4 khi đưa vào sử dụng sẽ như xương sống kết nối 7 tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh. Đồng thời, dự án tạo không gian cho 5 đô thị vệ tinh phát triển, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế lớn từ nông nghiệp sang công nghiệp đồng nghĩa với việc thu hút phát triển khu công nghiệp.

Hiện thực hóa “siêu dự án”, mở không gian phát triển Vùng Thủ đô

Hà Nội dành hơn 23 nghìn tỷ đồng xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Tuấn, Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm đi vào xuyên tâm, đồng thời khu vực Vành đai 4 là trung tâm để kết nối phía Bắc. Vì vậy, không chỉ có Hà Nội mà cả Vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới. Việc thiết lập vành đai cuối cùng này rõ ràng là mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng.

Đối với Hà Nội, dự án còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía Đông Nam Thủ đô. Đồng thời, phía Nam Thủ đô cũng kết nối với một phần rất quan trọng là cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết nối với Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội…

Dự án cũng tạo sức hút để giãn mật độ cư dân trong trung tâm đô thị, từ đó phát triển chuỗi đô thị vệ tinh bao gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên cùng việc kết nối chuỗi đô thị thành phố Hà Nội với những khu vực đô thị, công nghiệp thuộc Vùng Thủ đô. Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội.

Phát huy ý nghĩa Vùng Thủ đô

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mới đây, cho ý kiến về dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, nhiều đại biểu đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp, gián tiếp to lớn, do có thêm hàng nghìn héc ta đất trở thành "đất vàng, đất bạc"; Có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học… được hình thành. Vì thế, việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này hết sức cần thiết, cấp bách, hữu hiệu.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà là Vùng Thủ đô của rất nhiều tỉnh. Việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên vùng Thủ đô. Nếu dự án này được vận hành, ý nghĩa của Vùng Thủ đô sẽ thực sự được phát huy tác dụng.

Hiện thực hóa “siêu dự án”, mở không gian phát triển Vùng Thủ đô

Theo đại biểu Cường, dù là tuyến đường cao tốc nhưng là vành đai các trung tâm kinh tế, nên có thể nhìn thấy những đô thị hiện đại, những trung tâm sản xuất, hàng hóa, khu công nghiệp sẽ phát triển bám theo các không gian này. Khi có đường Vành đai 4 sẽ tạo ra tính chất liên kết Vùng Thủ đô, các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Như vậy, không chỉ Hà Nội là cực phát triển mà cực phát triển lan tỏa thành các điểm trong vùng. Có đường Vành đai 4 chạy qua, các tỉnh bên cạnh sẽ có điều kiện để đầu tư phát triển, đầu tư các trung tâm công nghiệp, đô thị… như vậy sẽ mang lại nguồn lực rất tốt.

Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lưu Mai, việc đầu tư hai tuyến đường này cho Hà Nội và TP HCM không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn ý nghĩa chính trị, đối ngoại sâu sắc.

“Mỗi khi đi xa trở về, chúng ta lại thấy băn khoăn về cơ sở hạ tầng. Rất ít Thủ đô có hạ tầng giao thông hạn chế như chúng ta hiện nay. Chúng ta vẫn nói về GDP tăng trưởng, kinh tế phát triển nhưng khi du khách tới Việt Nam, thứ ấn tượng với họ lại là hạ tầng giao thông, nó phản ánh sự phát triển của một đất nước. Nhiệm kỳ này, chúng ta tiến thêm được một bước về hạ tầng giao thông là rất đáng mừng”, bà Mai nêu quan điểm.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã phải chờ đợi hàng thập kỷ và chưa khi nào cơ hội triển khai lại rõ ràng, thuận lợi như lúc này, khi mà cả Chính phủ và người dân trên dưới đồng lòng.

Chính bởi tầm quan trọng và sự mong mỏi của người dân nên công tác triển khai dự án cần quyết tâm rất lớn. Các biện pháp mạnh mẽ từ phía Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan để dự án được triển khai suôn sẻ, đầu xuôi đuôi lọt, mở ra không gian phát triển cho thành phố và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng ven đô…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật