A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người lao động vui mừng vì sắp được tăng lương tối thiểu vùng

Lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp, tiền lương được điều chỉnh vào giữa năm thay vì đầu năm như thông lệ. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, việc "phá lệ" điều chỉnh lương vào thời điểm này hợp lý, cần thiết.

Tăng cao nhất 260 nghìn đồng/tháng

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180 nghìn đồng - 260 nghìn đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22,5 nghìn đồng/giờ, vùng II là 20 nghìn đồng/giờ, vùng III là 17,5 nghìn đồng/giờ, vùng IV là 15,6 nghìn đồng/giờ.

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương được trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Trong đó, mức lương theo công việc/chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu, còn phụ cấp lương và khoản bổ sung khác là những khoản tiền không bắt buộc. Chính vì vậy, mức lương thấp nhất trả cho người lao động phải bằng lương tối thiểu vùng.

Ngày 1/7 tới đây, khi lương tối thiểu vùng tăng, người lao động đang được trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng mới sẽ được tăng lương. Tiền lương sau khi tăng phải bằng hoặc lớn hơn lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng sẽ được căn cứ vào mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Do đó, lương tối thiểu vùng tăng sẽ là cơ sở buộc các doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Nhờ việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội mà mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng theo.

Tương tự như việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng phụ thuộc vào tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Khi lương tối thiểu vùng tăng, mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ tăng. Kéo theo là mức đóng bảo hiểm thất hiểm thất nghiệp tối thiểu tăng. Điều này góp phần làm cho mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sau này tăng theo.

Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng:

Vùng I tăng 260 nghìn đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.

Vùng II tăng 240 nghìn đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.

Vùng III tăng 210 nghìn đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.

Vùng IV tăng 180 nghìn đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, Điều 50 Luật Việc làm 2013 đã nêu rõ: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Như vậy, từ ngày 1/7, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động cũng được điều chỉnh tăng.

Người lao động ngóng tăng lương

Sau 4 năm đi làm công nhân, lương cơ bản của chị Bùi Thị Thu - công nhân cụm công nghiệp Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vẫn chỉ được 4 triệu đồng/tháng. Con số này đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn huyện Việt Yên (trên 3,4 triệu đồng/tháng), nhưng vẫn chưa đủ để chị Thu trang trải cuộc sống.

Ngoài lương cơ bản, nữ công nhân này còn có tiền phụ cấp (tổng cộng khoảng 700 nghìn đồng/tháng) và tiền làm thêm; tổng thu nhập của chị vào khoảng 6 triệu đồng/tháng (nếu có làm thêm).

“Tháng này, công ty ít việc, ít đơn hàng nên theo tính toán của tôi, thu nhập chỉ được khoảng 5 triệu đồng. Chồng tôi làm công nhân, cũng nghỉ làm suốt vì ít việc nên tổng thu nhập của 2 vợ chồng tháng này chỉ được 7 - 8 triệu đồng. Trong khi đó, vợ chồng tôi đang nuôi ba con, rất nhiều khoản phải chi. Giá xăng, giá các mặt hàng có xu hướng tăng khiến tôi càng phải “co kéo”, chắt bóp hơn” - chị Thu nói.

Nghe thông tin lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1/7/2022, chị Thu cảm thấy vui và bày tỏ hi vọng, lương cơ bản sẽ được tăng tương ứng để thu nhập được cải thiện, cuộc sống bớt khó khăn.

Công nhân mong chờ đến ngày tăng lương tối thiểu vùng
Công nhân mong chờ đến ngày tăng lương tối thiểu vùng

Chị Nguyễn Thị Ca đang làm công nhân tại công ty dệt ở thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) - nơi đang áp dụng lương tối thiểu vùng 3 (trên 3,4 triệu đồng).

Hiện, chị Ca đang được trả lương cơ bản là 4,4 triệu đồng/tháng. Cộng với tiền làm thêm, tổng thu nhập của chị được khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Dù lương cơ bản công ty trả cho chị Ca đã cao hơn lương tối thiểu vùng, nhưng nhiều doanh nghiệp thường sẽ tăng lương cơ bản theo mức tăng của lương tối thiểu vùng, như vậy theo chị Ca thì sẽ là tin vui đối với công nhân như mình.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, khi Nghị định chính thức có hiệu lực, trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp sẽ có xu hướng tăng 6% đối với mức lương ghi tại hợp đồng lao động của từng công nhân.

Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh sẽ chỉ đạo các công đoàn cơ sở để tăng cường giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng. Hai năm qua, chưa được tăng lương, nên công nhân lao động đều rất mừng khi nghe lương được tăng, dù ít, dù nhiều.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật