Đồng Tháp đứng top đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công
6 tháng đầu năm nay, Đồng Tháp là một trong những địa phương giải ngân vốn đầu tư công trên 50% và nằm top đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công với gần 3.000 tỷ đồng.
Sáng 18/7, kỳ họp thứ sáu, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bước sang ngày làm việc thứ 2.
Ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp - nhấn mạnh, những quyết sách được thông qua tại kỳ họp là cơ sở pháp lý, tạo đà phát triển “tăng tốc” và vững chắc góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đồng Tháp ước đạt 5,89%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước 2,06% (6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,83%). Đặc biệt, Đồng Tháp là một trong những địa phương giải ngân vốn đầu tư công trên 50% trong 6 tháng đầu năm và top đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công .
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt hơn 215.500 tỷ đồng, đạt 28,63% kế hoạch. Có 9 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%, trong đó Tiền Giang đạt 52,81%, Đồng Tháp 50,28% với gần 3.000 tỷ đồng, Long An 48,9%,...
Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp cho biết, HĐND sẽ xem xét, thông qua 16 dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đáp ứng yêu cầu, đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh.
HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X.
Phản ánh đến kỳ họp, cử tri Đồng Tháp quan tâm, lo lắng trước những bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới có tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tỉnh nhà tiếp tục khó khăn, tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh; tình hình sạt lở bờ sông còn diễn biến phức tạp; tình hình giông lốc, hỏa hoạn, đuối nước trẻ em… thiệt hại về người, tài sản.
Bên cạnh đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ thủ tục, chính sách thu hút đầu tư để ngày càng nhiều nhà đầu tư vào tỉnh, nhất là các cơ sở thu mua, chế biến nông sản sau thu hoạch cho người dân, vừa ổn định đầu ra cho mặt hàng nông sản, vừa giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương.
Ngoài ra, khảo sát các tuyến sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở cao, cắm biển báo, kịp thời gia cố, ngăn chặn giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra. Tiếp tục quan tâm quy hoạch các cụm tuyến dân cư để bố trí, sắp xếp, di dời các hộ dân khi có quyết định thu hồi đất… quan tâm điều kiện ổn định cuộc sống và sinh kế lâu dài cho người dân.