Đề xuất ý tưởng lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 6/7, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học với nội dung đề xuất ý tưởng lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quang cảnh tọa đàm |
Đây là hoạt động triển khai Quyết định số 1138/QĐ-UBND ngày 4/4/2022 của UBND TP về việc giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội là cơ quan lập quy hoạch Thủ đô; Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 25/5/2022 của UBND TP triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, nêu quan điểm, gợi ý cụ thể về xác định sứ mệnh, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu chính của quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu gợi ý thảo luận, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chuyên gia căn cứ các văn kiện quan trọng về phát triển Thủ đô như Chiến lược phát triển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt là Nghị quyết 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đưa ra các ý tưởng đề xuất. Trong đó, lưu ý phân tích rõ nội hàm, tính khả thi của các chỉ tiêu, mục tiêu để định vị Hà Nội trong giai đoạn tới.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần xác định được sự khác biệt, đặc trưng riêng của Hà nội, đặc biệt lưu ý Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam. TS. Nguyễn Đình Cung gợi ý, cần xác định sứ mệnh của Hà Nội đối với nhân dân Thủ đô, đối với vùng và cả nước. Ông gợi ý, cần có những suy nghĩ mới, khác biệt để tìm được sử mệnh, quan điểm phát triển Hà Nội.
Còn theo TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xoay quanh từ khóa “đột phá” trong các công việc, từ đánh giá hiện trạng, giải quyết các vấn đề tồn đọng, định hướng tương lai. Trong đó, lưu ý các vấn đề về khai thác, bảo tồn các di sản, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng sạch, an toàn…
TS. Nguyễn Bá Ân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh, nên xác định Hà Nội đến năm 2045, Thủ đô của một đất nước phát triển với 100 triệu dân phải như thế nào? Từ tầm nhìn xa như vậy, để làm bài toán ngược lại, muốn đạt được yêu cầu như thế, các công việc của Hà Nội cần làm gì? Mục tiêu của từng giai đoạn là như thế nào?
Nhiều ý kiến các chuyên gia khác cùng chung quan điểm việc lập quy hoạch phải xuất phát từ việc phân tích, đánh giá đúng thực trạng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thành phố, đồng thời, phải nêu bật được những đặc thù riêng có của Thủ đô Hà Nội. Các chuyên gia đã có các ý kiến gợi ý cụ thể về xác định sứ mệnh, tầm nhìn, quan điểm lập quy hoạch, quan điểm phát triển Thủ đô, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển.
Kết luận tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, sẽ tiếp thu tối đa ý kiến gợi ý của các chuyên gia, tổng hợp báo cáo thành phố. Thời gian tới, Viện tiếp tục tổ chức tọa đàm các chuyên đề tiếp theo nhằm lấy ý kiến về các nội dung và đẩy nhanh tiến trình, sớm chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.