Chuyển đổi xanh, cơ hội của du lịch Việt Nam
Phát triển xanh đang là định hướng của ngành du lịch nước ta. Tuy có lợi thế tài nguyên thiên nhiên sẵn có, cùng các sản phẩm du lịch đa dạng nhưng chuyển đổi xanh vẫn là hành trình dài và nhiều thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng từ tất cả các bên.
Du lịch song hành cùng bảo vệ môi trường tự nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học,... đang là xu hướng của du lịch toàn cầu. Ảnh: Việt Anh
Tiềm năng phát triển du lịch nhờ xanh hóa
Du lịch không chỉ là ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm và thúc đẩy giao lưu văn hóa mà còn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, ngành du lịch cũng buộc phải chuyển mình mạnh mẽ.
GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Đính - Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch - đánh giá, chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà còn là cơ hội để tái định vị du lịch Việt Nam. Theo ông, bảo vệ môi trường sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy du lịch, giúp doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh và mang lại trải nghiệm tích cực hơn cho du khách.
Theo ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp đã bước đầu có những thí điểm để giảm thiểu tác động tới môi trường, trong đó có việc kiểm soát rác thải nhựa. “Chúng tôi đã có những tiêu chí để doanh nghiệp du lịch đồng hành trong việc hạn chế nhựa, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, du khách. Trong thời gian qua, nhiều địa điểm du lịch như Tràng An, Tam Cốc Bích Động, Hội An... đã giảm được khoảng 30% khối lượng rác thải nhựa trong 6 tháng”, ông Vũ Quốc Trí cho biết.
Cũng theo ông Trí, cốt lõi của các điểm đến xanh không chỉ dừng ở rác thải nhựa, mà còn nhiều việc phải làm như sử dụng năng lượng sạch; hoạt động bảo vệ môi trường; giữ gìn văn hóa bản địa; khai thác tối đa những lợi thế của địa phương...
Cần xanh cùng nhau, để bền vững cùng nhau
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết, vẫn còn nhiều thách thức cản trở chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch. Hiện nay vẫn có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, gặp tương đối nhiều khó khăn tài chính khi thực hiện chuyển đổi, cũng khó tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Nguồn lực phát triển kiến thức kỹ thuật còn hạn chế.
“Cơ chế chính sách phù hợp là điều đa phần các doanh nghiệp du lịch mong muốn. Cần có sự hỗ trợ, quản lý trên một điểm đến để tạo được sự công bằng, tránh trường hợp một doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi xanh sẽ bị thụt lùi so với một doanh nghiệp không chuyển đổi. Nếu giải quyết được các vấn đề này, chúng ta có thể tiến tới ghi dấu ấn với bản đồ du lịch xanh Việt Nam”, ông Vũ Quốc Trí nhấn mạnh.
Còn với ông Phùng Quang Thắng (Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam), ngoài đưa ra các tiêu chí xanh để địa phương doanh nghiệp tiếp cận, cũng cần có sự đào tạo phù hợp với từng hoàn cảnh. Việc áp dụng công nghệ vào chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà các địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý.
Cũng theo ông Thắng, cần phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, trong đó hỗ trợ người dân địa phương ưu tiên các sản phẩm, thực phẩm hữu cơ, nâng cao nhận thức và trách nhiệm du lịch theo hướng giáo dục du khách về du lịch bền vững; khuyến khích khách du lịch tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.
Nhấn mạnh về việc đồng lòng để phát triển du lịch xanh, ông Phạm Hà - Chủ tịch LuxGroup nhấn mạnh: “Từ chính quyền địa phương, tới các doanh nghiệp đều cần ý thức được việc phải xanh cùng nhau, bền vững cùng nhau. Nếu chỉ xanh hóa 1 địa phương, 1 doanh nghiệp, du lịch sẽ khó có thể phát triển lâu dài bền vững trong tình hình hiện nay”.