A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế: Tỉnh '6 dám, 5 thật' phát triển toàn diện

Liên tiếp 7 năm liền, Quảng Ninh giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số. Điều này đang khẳng định sự phát triển bền vững, đã nâng tầm một tỉnh luôn quán triệt quan điểm, bản lĩnh cho cán bộ “6 dám, 5 thật” trở thành cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Nơi đây, cán bộ nói thật, làm thật và dân thụ hưởng thành quả thật!

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Cách đây chưa đến 10 năm, ấn tượng của hầu hết du khách về Quảng Ninh, nơi có di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là những con đường ngập bụi khi nắng, hóa bùn nhão khi mưa. Nhà cửa, đường phố bị phủ kín một màu đen đúa, nhếch nhác từ bụi than. Cách Hà Nội chưa đầy 200km nhưng người ở Hà Nội về Quảng Ninh đi mất gần 5 tiếng đồng hồ mới đến Hạ Long. Quốc lộ 18A lúc bấy giờ được ví von là “con đường đau khổ”.

Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế: Tỉnh '6 dám, 5 thật' phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho ý kiến về quy hoạch phát triển khu kinh tế Vân Đồn tầm nhìn 2030. Ảnh: PV

Nhưng nay, từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ mất vỏn vẹn 1 tiếng 30 phút với cung đường cao tốc hiện đại, sạch đẹp. Tốc độ phát triển đô thị thuộc vào hạng sôi động bậc nhất cùng mức tăng trưởng thuộc tốp đầu cả nước. Quảng Ninh lột xác trở thành cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc với 7 năm liên tiếp GRDP ở mức 2 con số.

Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, Quảng Ninh đã trải qua cả một quá trình cải cách không ngừng, thay đổi tư duy cũng như đột phá trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo tỉnh này qua các thời kỳ đều thể hiện sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đem lại những thành quả vượt bậc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến làm việc với Quảng Ninh vào tháng 2/2023 từng nói: Những thành quả mà Quảng Ninh đạt được là minh chứng cho sự đổi thay diệu kỳ!

Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế: Tỉnh '6 dám, 5 thật' phát triển toàn diện - Ảnh 2.

Quảng Ninh 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí Quán quân PCI và 10 năm liền (2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Ảnh: Hoàng Dương

Nhận diện được những bất cập trong quá trình phát triển, từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Ninh xác định phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung vào mô hình tăng trưởng xanh, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển gắn với thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, để đạt được những mục tiêu trên, điều quan trọng là phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và luôn sáng tạo, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu khó khăn, thử thách vì lợi ích nhân dân.

Phát triển đúng tầm, đúng hướng

Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế: Tỉnh '6 dám, 5 thật' phát triển toàn diện - Ảnh 3.

Tốc độ tăng GDP và GRDP của 5 thành phố trực thuộc Trung ương quý I năm 2023 (%). Đồ thị: TCTK

Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua, Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định là tỉnh có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quảng Ninh đã cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng khi tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành trung tâm du lịch quốc tế.

Quảng Ninh đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành hệ thống các công trình giao thông lớn, như tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn.

Một số địa phương có GRDP cao trong quý 1/2023

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương. Nhiều địa phương ghi nhận tốc độ tăng GRDP cao hơn tốc độ tăng GDP: Hậu Giang tăng 12,6%; Bình Thuận tăng 9,8%; Hải Phòng tăng 9,6%; Khánh Hòa tăng hơn 9%; Cà Mau tăng 9,05%; Ninh Bình 8,5%; Tuyên Quang, Bắc Giang 8,4%.

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, GRDP của Hải Phòng trong quý I năm 2023 cao nhất, đạt 9,65% và đứng vị trí thứ 3 trong 63 địa phương (sau Hậu Giang và Bình Thuận); Đà Nẵng tăng trưởng 7,12%, đứng vị trí thứ 19/63 địa phương. GRDP của Hà Nội tăng 5,8%, đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 32/63 địa phương. Đứng vị trí thứ 4 là Cần Thơ với GRDP đạt 4,02%, xếp thứ 43/63 địa phương. Tăng trưởng của thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương.Quyền Thành

Đặc biệt, chính sách chăm lo đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm triển khai hiệu quả, đồng bộ; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền.

Xuất phát từ tư duy thực sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, năm 2022 tỉnh Quảng Ninh về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, Quảng Ninh đang chuyển sang giai đoạn chuẩn nghèo đa chiều mới và giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người nông dân, cư dân nông thôn.

Chia sẻ về những bước đi, cách làm của tỉnh, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ: Trên cơ sở đường lối, chủ trương chung của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn, Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo, định hình tư duy phát triển của tỉnh theo phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”. Việc hoạch định chủ trương, chiến lược tạo đột phá trong phát triển bắt đầu từ nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh.

Trong đó có cả những yếu tố “thiên tạo” như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), địa chất, địa mạo; có những yếu tố “nhân tạo”, như Di sản Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, Thương cảng Vân Đồn.

Ngoài ra còn có cả những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây chính là những lợi thế so sánh riêng có mà tư duy lãnh đạo của các thế hệ ở Quảng Ninh đã nhận diện đúng, trúng và có chính sách can thiệp phù hợp để biến tiềm năng thành động năng, chuyển hóa thành nguồn lực và động lực cho phát triển.

Thu ngân sách của Quảng Ninh luôn đứng đầu cả nước

Năm 2022 tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,2%, đứng thứ 4 trong số các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế tăng 17,4% so với năm 2021, đạt 269.000 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc). Tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa, luôn đứng trong tốp đầu cả nước.

Cán bộ ở Quảng Ninh luôn giữ bản lĩnh “6 dám, 5 thật” (6 dám: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”; 5 thật: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật