Bà Rịa - Vũng Tàu tham vọng trở thành trung tâm kinh tế biển
Bà Rịa - Vũng Tàu phải phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong vùng và cả nước...
3 đột phá - 4 công cụ
Ngày 13/5, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” với sự tham dự của các nguyên lãnh đạo tỉnh, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Trung ương giao, tỉnh đã triển khai xây dựng và bước đầu xây dựng đề án phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia với mục tiêu nhận diện rõ lợi thế cũng như nút thắt phát triển của ngành kinh tế biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó, đề xuất các mô hình phát triển, xác định rõ các đột phá chiến lược phát triển kinh tế biển, thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trưởng nhóm tư vấn xây dựng Đề án Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia - khẳng định, Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ 5 yếu tố là tự nhiên, kinh tế, con người, xã hội và chính trị để thúc đẩy, phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Tuy nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu cần phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái biển...
Theo chuyên gia này, Bà Rịa - Vũng Tàu cần đưa ra 3 khâu đột phá. Trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong vùng và cả nước; 4 trọng tâm và động lực phát triển mô hình kinh tế biển (gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn); 11 giải pháp, trong đó có việc hình thành trường đại học, viện nghiên cứu kinh tế đại dương xanh quốc gia tại tỉnh.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng đề xuất nghiên cứu và thí điểm 4 công cụ mới trong huy động nguồn lực, gồm phí đầu tư cơ sở hạ tầng, phí quyền xây dựng, phí bù đắp đa dạng sinh học, huy động trái phiếu đô thị. Đối với cơ chế, chính sách về tiếp cận đất đai và tài nguyên, đề án đề xuất tỉnh nghiên cứu giải pháp các nước đang sử dụng như gộp đất, ngân hàng đất đai, bán quyền phát triển và thu phí đất chưa sử dụng….
Hiện tại, Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 ngành kinh tế biển cơ bản, gồm du lịch biển, cảng biển và dịch vụ logistics cảng biển, công nghiệp khai thác dầu khí , công nghiệp và khu công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Ngoài ra, tỉnh này còn có 53 cảng đang khai thác với tổng chiều dài bến cảng 19,4 km, tổng công suất gần 180 triệu tấn/năm; 22 kho bãi và logistics chuyên dùng với tổng diện tích 256 ha.
Tuy nhiên, các cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu có sự phân mảnh lớn nên cầu tàu ngắn và nhỏ làm giảm hiệu quả của cảng. Do đó, các chuyên gia kiến nghị, cần có chính sách liên kết, sáp nhập các bến cảng Bà Rịa - Vũng Tàu để đạt quy mô lớn hơn, đồng thời chú trọng phát triển dịch vụ logistics tương xứng.
Cần liên kết vùng
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu muốn đạt vị thế trung tâm kinh tế biển quốc gia thì không thể bỏ qua việc hợp tác với đô thị vùng TPHCM. Đặc biệt, ở khu vực cần phải nhấn mạnh đây là “cửa ngõ” ra biển của 4 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương. Do đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cần phát triển dựa trên 5 chiến lược, định hướng lớn.
Đầu tiên, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển vùng xanh tách biệt với vùng nâu. Bởi phát triển du lịch cần môi trường, hệ sinh thái trong lành. Trong khi phát triển công nghiệp lại gây ra ô nhiễm rất lớn. Hai việc này gây ra mâu thuẫn lớn nên cần phải làm sao để hài hòa.
Ông Nam Sơn cho rằng, muốn hài hòa thì cần phân vùng rõ ràng. Hiện nay, thị xã Phú Mỹ như là vùng nâu còn vùng xanh là TP. Vũng Tàu.
Bà Rịa - Vũng Tàu cần phát triển mô hình theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để tăng động lực và tính khả thi cho các dự án đô thị mới. Khi phát triển du lịch thì mô hình TOD giúp tỉnh thu hút được một nguồn ngân sách không nhỏ để phát triển hạ tầng. Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển TOD có một lợi thế là tận dụng lợi thế của TPHCM, trong đó rất kỳ vọng có một tuyến metro từ TPHCM đến Long Thành và từ đó xuống Vũng Tàu. Khi có tuyến giao thông công cộng như vậy sẽ giúp khách du lịch đi xuống Vũng Tàu rất thuận tiện, đô thị 2 bên phát triển. Khi có tuyến metro không những chỉ xuống Vũng Tàu tắm biển mà người dân có thể chọn sinh sống gần tuyến metro và đi làm tại Đồng Nai hay TPHCM.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng đề nghị, tăng cường liên kết vùng về giao thông và hợp tác kinh tế xã hội. Hiện nay, thị xã Phú Mỹ được quy hoạch là khu phát triển quan trọng nhất về mặt phát triển công nghiệp và cảng biển. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện kết nối vào đô thị này hoàn toàn chưa xứng tầm. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nằm ở thị xã Phú Mỹ rất cần đầu tư một tuyến đường cao tốc riêng đến khu công nghiệp cảng biển, tách riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện nay. Bởi muốn làm du lịch thì xe du lịch không thể đi chung với xe container.
Ngoài ra, cần đầu tư tuyến đường sắt kết nối từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến TP. Thủ Đức (TPHCM), Biên Hòa (Đồng Nai) lấy hàng chở xuống thị xã Phú Mỹ và vận tải biển chở đi. Việc phát triển logistics qua kết nối đường sắt, đường bộ, kết nối đường thủy, hàng không qua sân bay Long Thành giữa 4 tỉnh cần hài hòa với nhau. Qua đó giúp giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh.
Cuối cùng, để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia cần chú ý đến bảo tồn di sản thiên nhiên và đô thị. Áp dụng hợp tác đa ngành trong quy hoạch và quản lý nhằm nâng cao tính bền vững và khả thi của các dự án cơ sở hạ tầng...