A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Cú hích" quan trọng để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững

Việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Trung ương như một "cú hích" quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm

Đánh giá về Luật Thủ đô, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây không chỉ là sự hoàn thiện khung pháp lý mà còn là bước tiến lớn trong việc xây dựng một nền văn hóa đô thị hiện đại, đa dạng, vừa bảo tồn được bản sắc truyền thống, vừa thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.

“Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

Luật Thủ đô 2024 quy định rõ, việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Đáng quan tâm, thành phố Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Hội thảo khoa học "Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, những chính sách mới trong luật cho phép Hà Nội áp dụng các cơ chế đặc thù để quản lý và khai thác hiệu quả hơn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đồng thời, Luật Thủ đô cũng tạo điều kiện để mở rộng không gian văn hóa hiện đại, thúc đẩy các lĩnh vực sáng tạo mới như nghệ thuật đương đại, điện ảnh, âm nhạc và các hoạt động văn hóa cộng đồng.

Sự thay đổi và hoàn thiện của Luật Thủ đô trong lĩnh vực văn hóa không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại, mà còn đặt nền móng cho một tương lai bền vững, lâu dài. Văn hóa không chỉ là yếu tố kết nối quá khứ với hiện tại, mà còn là nguồn lực vô giá để phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn cho Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế.

Luật Thủ đô đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của hoạt động lập pháp trong việc xây dựng một môi trường văn hóa đa dạng, bền vững, nơi mà các giá trị truyền thống được bảo tồn và phát huy, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.

Thủ đô Hà Nội là “đô thị loại đặc biệt”

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là “đô thị loại đặc biệt” là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia” và là “trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước” (Khoản 2 Điều 2). Theo đó, một trong những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô.

Vì vậy, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của HĐND và UBND các cấp, nhất là cấp thành phố đối với các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền Thủ đô là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.

Một góc Hà Nội

Để làm được điều này, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố giữa chính quyền quận, thị xã thành phố thuộc thành phố với chính quyền phường, xã trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù theo đúng quy định về phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND (Điều 14).

Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; trọng tâm là các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư và các thủ tục khác.

Phát biểu kết luận Hội thảo khoa học "Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn" diễn ra mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức hội thảo khoa học lớn để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua...

Nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục; trung tâm, động lực của vùng, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, không có Thủ đô nào trên thế giới mà xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận, người dân sống ở nông thôn nhiều hơn người dân sống ở đô thị, song Hà Nội được xếp vào loại đô thị đặc biệt.

Từ những phân tích trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một "cú hích" quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, việc cụ thể hóa các nội dung trong Luật Thủ đô cũng như triển khai thực hiện hiệu quả là những vấn đề mới với Hà Nội. Vì thế, qua hội thảo, không chỉ cung cấp thêm cho thành phố những căn cứ về lý luận khi triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô, mà còn thêm các căn cứ thực tiễn để triển khai Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật.

Triển khai thi hành Luật Thủ đô từ 1/1/2025

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 593/TB-VP truyền đạt thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn tại cuộc họp đánh giá kết quả triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và triển khai đợt tuyên truyền cao điểm về Luật Thủ đô.

Để bảo đảm việc triển khai Luật Thủ đô hiệu quả, kịp thời và đúng tiến độ, kể từ ngày 1/1/2025 - ngày Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực, đối với công tác xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ tập trung rà soát, hoàn thiện, trình dự thảo các nghị quyết chưa hoàn thành trong năm 2024; tập trung rà soát, hoàn thiện, đăng ký, đề xuất rõ tiến độ, thời hạn trình ban hành trong năm 2025, bảo đảm nội dung văn bản phù hợp với các luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám, kỳ họp thứ chín và quy định pháp luật.

Các Sở: Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc các bộ, ngành liên quan để trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ...

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật