Xử phạt vi phạm thời gian lái xe vẫn còn nhiều bất cập
Theo các tài xế, việc xử phạt vi phạm về thời gian lái xe vẫn đang tồn tại những bất cập do các yếu tố về tình hình giao thông và thiết bị giám sát.
Phát hiện hàng loạt lái xe vi phạm qua camera hành trình. Ảnh: CSGT
Thời gian qua, Hà Nội tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn giao thông thông qua trích xuất camera hành trình. Hàng loạt tài xế bị xử phạt các lỗi như: Không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện; sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện; vượt quá thời gian lái xe của các tài xế kinh doanh vận tải...
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Lâm - hiện là tài xế lái xe buýt tuyến 61 thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Yến (Bảo Yến Group) - cho biết, việc áp dụng xử phạt với các trường hợp không thắt dây an toàn hay sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện là cần thiết.
"Mỗi cá nhân điều khiển phương tiện đều phải đặt trách nhiệm của bản thân lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho toàn bộ hành khách trên xe. Các tài xế xe tải, xe khách lại càng phải nêu cao trách nhiệm vì "cầm trong tay" tính mạng của nhiều người.
Bởi vậy, việc xử phạt nghiêm các hành vi không chấp hành an toàn khi điều khiển phương tiện giao thông của các tài xế là vô cùng cần thiết. Việc này không chỉ tạo sức răn đe mà còn đem lại sự an toàn, an tâm cho các hành khách..." - ông Lâm nhấn mạnh.
Mặc dù đồng tình với chủ trương tăng cường xử phạt thông qua camera hành trình nhưng ông Nguyễn Duy Long - tài xế lái xe khách tuyến Hà Nội - Nghệ An - cho rằng, với riêng các trường hợp vi phạm về thời gian lái xe thì cần cân nhắc lại.
Lý giải về quan điểm này, ông Long cho biết: "Theo quy định hiện hành, lái xe ôtô kinh doanh vận tải không được điều khiển phương tiện liên tục quá 4 giờ, không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn nhiều bất cập dựa trên các yếu tố thực tế.
Trong nhiều trường hợp, tôi đang di chuyển trên cao tốc không có trạm dừng nghỉ nhưng hết thời gian lái xe liên tục khiến tôi rơi vào cảnh đi không được mà ở cũng không xong.
Mặc dù đã căn chỉnh thời gian phù hợp nhưng do điều kiện giao thông đông đúc dẫn đến tắc đường khiến xe di chuyển chậm và không thể dừng nghỉ tại đúng địa điểm đã lên kế hoạch trước. Thế nhưng, cái khó là khoảng thời gian này vẫn bị tính vào thời gian lái xe liên tục nên nếu như áp dụng xử phạt thì sẽ gây nhiều bất lợi cho các tài xế".
Trước bất cập này, chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - kiến nghị, các cơ quan chức năng chỉ nên xử phạt đối với các hành vi vi phạm về vượt quá thời gian lái xe của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải trên 10% thời gian quy định tại Điều 64 Luật Trật tự An toàn Giao thông đường bộ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc xử phạt tài xế vi phạm về thời gian lái xe cần dựa trên nhiều yếu tố thay vì chỉ tập trung vào dữ liệu thu được trong camera giám sát hành trình. Ảnh: Hải Nguyễn
“Để giải quyết những tình huống tắc đường kéo dài thường xuyên xảy ra ở các đô thị và trên hệ thống đường bộ Việt Nam, nên chỉ tính thời gian lái xe cộng dồn một lần, trong ngày và trong tuần ở tốc độ tối thiểu 15km/giờ. Đây được cho là những tình huống bất khả kháng nên có thể miễn trừ trách nhiệm.
Về vấn đề tài xế hết thời gian lái xe khi đang di chuyển trên cao tốc, đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng kiến nghị tạm thời chưa áp dụng quy định về thời gian lái xe của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải khi lưu thông trên các đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng cho rằng, việc xử phạt hành vi vượt quá thời gian lái xe cần dựa trên nhiều yếu tố, thay vì chỉ tập trung vào dữ liệu có trong thiết bị giám sát hành trình.
"Hiện nay, nhiều thiết bị ghi nhận vi phạm chưa được kiểm định định kỳ theo quy định của pháp luật về các thiết bị đo lường. Vì vậy, nếu chỉ sử dụng dữ liệu ghi nhận từ thiết bị giám sát hành trình và camera gắn ở trên xe để xử phạt các trường hợp vượt quá thời gian lái xe là chưa đủ căn cứ.
Thay vào đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tích hợp thêm các thiết bị định vị, đo lường về quãng đường và tốc độ trên mỗi chiếc xe để kết hợp xử lý vi phạm. Khi có đầy đủ căn cứ, việc xử phạt sẽ trở nên hiệu quả và công bằng hơn..." - ông Quyền chia sẻ.