A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý nghiêm sai phạm vụ chặt rừng phòng hộ trước sáp nhập xã ở Huế

HUẾ - Ngày 15.7, UBND TP Huế có văn bản thông tin về việc một số diện tích rừng ven biển thuộc xã Quảng Công (nay là phường Phong Quảng), TP Huế bị chặt hạ.

Xử lý nghiêm sai phạm vụ chặt rừng phòng hộ trước sáp nhập xã ở Huế

Các gốc cây rừng bị chặt hạ. Ảnh: Quảng An.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm TP Huế, hiện trường rừng bị khai thác nằm tại lô 152, 161, khoảnh 1, tiểu khu 89, với tổng diện tích 3,1416 ha, bao gồm 2,5843 ha rừng phòng hộ và 0,5573 ha rừng sản xuất. Tổng cộng 1.461 cây keo lưỡi liềm bị đốn hạ. Ngay sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã đình chỉ khai thác, bảo vệ hiện trường và điều tra các bên liên quan.

Khu rừng bị chặt phá vốn là rừng trồng từ năm 2008 thuộc Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát (dự án 661). Trước năm 2020, rừng do nhóm hộ ông Lê Nguyễn Sĩ bảo vệ theo hợp đồng khoán.

Sau đó, UBND xã Quảng Công tiếp quản nhưng công tác quản lý thiếu chặt chẽ. Điều đáng nói là trước thời điểm sáp nhập xã (đầu năm 2025), UBND xã đã tự ý tổ chức thanh lý diện tích rừng này cho ông Nguyễn Văn Quốc với lý do "rừng bị thiệt hại do bão".

Dù trong cuộc họp ngày 18.2.2025, Ban chấp hành Đảng ủy xã chỉ thống nhất về chủ trương thanh lý rừng sản xuất bị gãy đổ, nhưng UBND xã sau đó đã bán cả diện tích có chức năng rừng phòng hộ. Số tiền 85 triệu đồng từ thương vụ được ông Quốc chuyển khoản cho thủ quỹ UBND xã. Khi việc khai thác chưa hoàn tất, ông Quốc đã rút tiền lại và chuyển 65 triệu đồng trực tiếp cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã.

Qua làm việc, ông Nguyễn Văn Quốc thừa nhận đã thuê nhóm người ở Quảng Trị vào khai thác từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.2025. Ông khai rõ được ông Lê Nguyễn An (cán bộ địa chính xã) chỉ vị trí khai thác, giám sát hiện trường và hướng dẫn đưa gỗ bán cho doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phú Bài. Số gỗ được vận chuyển khoảng 10 xe tải, bán với giá 900.000 đồng/tấn.

Ông Nguyễn Đình Thông, Chủ tịch UBND xã Quảng Công (nay là Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng), thừa nhận đã thống nhất bán 8 ha rừng sản xuất cho ông Quốc. Tuy nhiên, việc chặt phá đã vượt phạm vi rừng sản xuất và xâm phạm rừng phòng hộ.

UBND TP Huế đã chỉ đạo Công an TP vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ vụ việc trước ngày 22.7.2025. Các cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là lãnh đạo xã Quảng Công thời điểm xảy ra vụ việc, sẽ bị xem xét trách nhiệm.

Như Lao Động đã thông tin, ngày 13.7, Hạt Kiểm lâm khu vực phía Bắc TP Huế xác nhận, hơn 3,1ha rừng ven biển tại thôn An Lộc, phường Phong Quảng đã bị đốn hạ trắng, trong đó có gần 2,6ha thuộc rừng phòng hộ - khu vực có vai trò chắn gió, ngăn mặn, bảo vệ môi sinh.

Tổng cộng 1.461 cây keo lá tràm bị cưa sát gốc, cao chỉ 20 - 40cm, gần như không còn khả năng tái sinh. Gỗ đã được vận chuyển đi tiêu thụ, hiện trường chỉ còn cành khô và gốc trơ trọi.

Điều đáng nói, ngày 23.4.2025, lực lượng kiểm lâm và UBND xã Quảng Công cũ từng kiểm tra hiện trạng và khẳng định rừng chưa bị tác động, đồng thời yêu cầu tăng cường bảo vệ.

Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, toàn bộ khu vực đã bị khai thác. Ông Nguyễn Đình Thông - Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng, thừa nhận xã cũ đã bán rừng với giá 20 triệu đồng, dùng để chi trả công chăm sóc và mua giống mới. Quyết định này được Ban Thường vụ Đảng ủy xã thống nhất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật