A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ Bệnh viện Tim Hà Nội: Nhiều gói thầu và doanh nghiệp tiếp tục bị xem xét

Ngày 17/4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Trong nửa ngày đầu xét xử, Tòa dành thời gian để Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố.

Trong vụ án này, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 bị cáo liên quan cùng bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo khoản 3, Điều 222 - BLHS.

Ngoài bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng - cựu Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - Nguyễn Thị Dung Hạnh - cựu Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Tim Hà Nội và 3 cựu cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội khác...

Vụ Bệnh viện Tim Hà Nội: Nhiều gói thầu và doanh nghiệp tiếp tục bị xem xét  ảnh 1

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội bị dẫn giải tới phiên tòa.

"Lại quả" từ 2 - 5% giá trị gói thầu

Theo cáo trạng truy tố, trong các năm 2016 – 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện 5 gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, hóa chất, trị giá hơn 595 tỷ đồng. Trong đó gói thầu số 5/2016 theo hình thức đấu thầu rộng rãi 223 mặt hàng, trị giá hơn 247 tỷ đồng. 4 gói thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn mua 538 mặt hàng, trị giá hơn 347 tỷ đồng.

Tại gói thầu số 5, riêng mặt hàng Stent các loại có 24 nhà thầu trúng thầu với số lượng lớn, trong đó Công ty Hoàng Nga trúng 750 stent… Với các vật tư, có 12 nhà thầu trúng giá trị hơn 78 tỷ đồng, trong đó Công ty Hoàng Nga trúng thầu trị giá hơn 12 tỷ đồng.

Về 4 gói thầu chỉ định rút gọn năm 2017, có 55 nhà thầu trúng thầu, trong đó, Công ty Hoàng Nga trúng 1.161 stent lọa bọc thuốc Pronova Des… Tổng cộng, Công ty Hoàng Nga trúng thầu hơn 92,1 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện các gói thầu này, các bị cáo tại Bệnh viện đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông đồng với bị cáo ở doanh nghiệp để Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu.

Việc các bị cáo ở bệnh viện thực hiện được các gói thầu trái pháp luật có sự giúp sức từ các nhà thầu nhằm mục đích được trúng thầu và hưởng lợi nhuận.

Cáo trạng xác định, Công ty Hoàng Nga là công ty gia đình do bị cáo Nguyễn Đức Đảng làm Chủ tịch HĐQT, vợ là bị cáo Phạm Thị Kim Oanh là Kế toán trưởng. Nguyễn Đức Đảng đã gặp và đặt vấn đề với Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội để được bán các mặt hàng theo giá mong muốn.

Vụ Bệnh viện Tim Hà Nội: Nhiều gói thầu và doanh nghiệp tiếp tục bị xem xét  ảnh 2

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử.

Khi bệnh viện mở thầu, bị cáo Đảng đã chỉ đạo nhân viên soạn thảo các báo giá gửi để Bệnh viện xây dựng giá kế hoạch, thực hiện hợp thức hồ sơ thầu, biên bản thương thảo hợp đồng trước khi có quyết định trúng thầu. Thực chất nhiều mặt hàng trong đó có stent đã được ký gửi từ trước.

Nhờ đó, trong năm 2016 – 2017, Công ty Hoàng Nga hưởng lợi cao trái pháp luật tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng.

Vào các dịp Tết âm lịch năm 2016, 2017, bị cáo Đảng đến phòng làm việc của Nguyễn Quang Tuấn biếu số tiền 10.000 USD để cảm ơn vì đã tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga trúng thầu.

Ngoài ra, Công ty Hoàng Nga còn trích lại 2 – 5% giá trị gói thầu dưới hình thức hỗ trợ Bệnh viện chi phí hội nghị, hội thảo, đào tạo các bác sỹ, cụ thể mỗi năm là 300 triệu đồng. Các khoản tiền này không được Phòng Kế toán của Bệnh viện hạch toán, theo dõi riêng.

Tại Công ty Kim Hòa Phát, bị cáo Phan Tuấn Đạt là Chủ tịch HĐQT Công ty, vốn sẵn mối quan hệ với bị cáo Tuấn. Khi ông Tuấn về làm Giám đốc Bệnh viện, Đạt đến gặp nhờ giúp đỡ đến bán các mặt hàng can thiệp tim mạch vào bệnh viện.

Dưới sự đồng ý của bị cáo Tuấn, các bị cáo ở Bệnh viện đã lấy báo giá của Công ty Kim Hòa Phát xây dựng giá kế hoạch các gói thầu, tạo điều kiện cho Công ty này được ký gửi stent sau đó hợp thức các thủ tục để doanh nghiệp trúng thầu.

Công ty Kim Hòa Phát đã trúng thầu 400 stent không đúng quy định của Luật đấu thầu, hưởng lợi 6,5 tỷ đồng. Hàng năm, Công ty chi hỗ trợ Bệnh viện 60 triệu đồng/ năm.

Theo Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, các mặt hàng do Công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát bán vào Bệnh viện cao hơn thị trường.

Viện kiểm sát đề nghị tiếp tục làm rõ...

Đối với các nhà thầu khác, cơ quan điều tra cũng có kiến nghị. Theo đó, có 7 nhà thầu trúng thầu mặt hàng sten và các mặt hàng khác với số lượng lớn gồm Công ty CP Thương mại Cổng Vàng, Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1, Công ty TNHH Dược phẩm Hoàn Nguyên, Công ty TNHH Thanh Phương, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển thương mại Quỳnh Anh, chi nhánh Công ty CP Dược phẩm Trung ương Codupha Hà Nội, Công ty CP Dược phẩm Thống nhất.

Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ, nếu có căn cứ sẽ xử lý theo quy định.

Vụ Bệnh viện Tim Hà Nội: Nhiều gói thầu và doanh nghiệp tiếp tục bị xem xét  ảnh 3

Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh - cựu Kế toán trưởng Bệnh viện Tim Hà Nội.

Đối với các công ty trúng thầu các mặt hàng máy móc, vật tư tiêu hao khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện xác minh giá mua, bán các mặt hàng tại Bệnh viện Bạch Mai, Vinmec, Việt Pháp để so sánh với giá trúng thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội nhưng chưa phát hiện sai phạm.

Ngoài ra, kết quả điều tra thể hiện, Công ty Hoàng Nga có lập hơn 9.900 phiếu chi tiền mặt không có hóa đơn chứng từ hợp pháp để hạch toán giá vốn hàng bán và tăng chi phí doanh nghiệp, làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp, có dấu hiệu của tội "Trốn thuế".

Tuy nhiên, đến nay không xác định được phiếu chi nào được sử dụng để lập báo cáo tài chính xác và xác định số thuế đã nộp nên không làm rõ sự chênh lệch số liệu chi phí khống. Do đó, chưa có kết luận về hành vi trốn thuế của Công ty Hoàng Nga.

Quá trình điều tra, các bị cáo đã nộp lại hơn 21,3 tỷ đồng. Cơ quan điều tra kê biên 13 bất động sản của các bị cáo…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật