A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Ngăn chặn chuyển giá, thất thu thuế

Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu được hy vọng sẽ góp phần tránh tình trạng nhiều nước đua nhau giảm thuế để thu hút vốn đầu tư FDI và hạn chế vấn nạn chuyển giá, thất thu thuế.

Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Ngăn chặn chuyển giá, thất thu thuế - Ảnh 1.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể sẽ làm ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI trong ngắn hạn. Ảnh minh họa.

Áp thuế tối thiểu toàn cầu

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một trong những nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2024 với 142 quốc gia đồng thuận tham gia.

Mục đích là để tạo bình đẳng về thuế doanh nghiệp giữa các nước, chống lại hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, rửa tiền thông qua các “thiên đường thuế” được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới trong quản lý ngân sách.

Mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (800 triệu USD) trở lên và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu đạt từ 10% trở lên. Trong trường hợp một tập đoàn đa quốc gia và các công ty con của tập đoàn nộp thuế ở nước ngoài dưới mức 15% sẽ phải nộp khoản chênh lệch so với tỷ lệ này tại nước đặc trụ sở chính.

Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hầu hết các nước đang phát triển thường giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thực hiện rất nhiều ưu đãi về thuế. Theo thông tin từ Dữ liệu thuế của Việt Nam và các quốc gia ASEAN, hiện mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%. Tuy nhiên, tất cả doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện về ngành nghề, địa bàn, quy mô vốn, lao động... được miễn, giảm thuế, với thời gian miễn thuế tối đa 4 năm, giảm thuế 9 năm, nên mức thuế thực tế bình quân chỉ còn 12,3%.

Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới nên việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể sẽ làm ảnh hưởng sức cạnh tranh trong thu hút vốn FDI trong ngắn hạn, bởi chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng.

Vì vậy, Việt Nam phải sớm ứng phó với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu, có chính sách giữ chân và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là thu hút các tập đoàn đa quốc gia.

Ngăn chặn vấn nạn chuyển giá, thất thu thuế

Mặc dù thuế tối thiểu toàn cầu có thể tác động đến chiến lược thu hút vốn FDI, tuy nhiên, theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Tổng cục Thuế, việc áp dụng các quy định về thuế thu nhập toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới như góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung.

Cải cách hệ thống thuế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực, thông lệ chung của quốc tế, từ đó góp phần tạo ra hệ thống thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng minh bạch, hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế cho rằng, việc áp thuế thu nhập toàn cầu còn giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Bởi việc các nước ban hành các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài khiến cho các hiện tượng này diễn ra ngày càng phức tạp, có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sẽ lợi dụng cơ hội để chuyển lợi nhuận từ nước có thuế suất cao sang nước có thuế suất thấp hơn, từ đó xảy ra tình trạng thất thu thuế.

Thuế thu nhập toàn cầu sẽ tạo một bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, chống thất thu thuế.

Để giảm tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với chiến lược thu hút vốn FDI, một số chuyên gia kinh tế cho rằng cần cải cách hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong tình hình mới; điều chỉnh chính sách thuế hiện tại để đưa ra cơ chế ưu đãi phù hợp cho các doanh nghiệp đa quốc gia chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp này khi đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các chính sách về thuế cần dung hòa với quyền lợi của Việt Nam trong việc giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu.

Bên cạnh đó, ngoài những ưu đãi thuế, cần đẩy mạnh việc phát triển các yếu tố thu hút đầu tư khác như: cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý... để nâng cao vị thế về môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật