A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẽ có thẻ căn cước cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi và 6 tuổi trở lên

Liên quan đến cấp thẻ căn cước cho trẻ ở độ tuổi 0-6 và từ 6 tuổi trở lên, Bộ Công an đang xây dựng Thông tư quy định về mẫu thẻ cho các bé.

Sẽ có thẻ căn cước cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi và 6 tuổi trở lên

Trẻ em từ 0 đến 6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên sẽ có thẻ căn cước. Ảnh: Hữu Chánh

Ngày 1.7.2024, Luật Căn cước bắt đầu có hiệu lực giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Một trong những nội dung quan trọng của Luật là việc đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.

Vừa qua, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã thông tin một số nội dung liên quan đến thẻ căn cước. Trong đó có việc cấp thẻ ở độ tuổi từ 0-6 tuổi.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, Bộ Công an đang xây dựng Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước theo hướng sẽ có 2 mẫu thẻ căn cước, bao gồm: một mẫu thẻ dùng cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên và một mẫu thẻ cho các trường hợp từ 0 đến 6 tuổi (không có thông tin sinh trắc ảnh mặt, vân tay).

Việc cấp thẻ căn cước cho các trường hợp trẻ em từ 0-6 tuổi sẽ thông qua người đại diện hợp pháp: Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia (VNeID).

Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

"Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi", Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin.

Liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin, Phó Cục trưởng Vũ Văn Tấn cho biết, những vấn đề này đều được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.

Việc thu thập cả ADN và giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước do cơ quan có thẩm quyền chuyển cho cơ quan quản lý căn cước hoặc do công dân tự nguyện cung cấp.

Khi có thêm những thông tin về dữ liệu sinh trắc này sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, truy nguyên, nhận dạng, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan