A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sai phạm của nhiều bệnh viện ở Hà Nội trong mua sắm chống dịch

Thanh tra Chính phủ xác định bệnh viện Đông Anh, Bắc Thăng Long, Sơn Tây, Hà Đông, Đức Giang... có một số vi phạm khi mua sắm các gói thầu thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm.

Trong kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm vaccine, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hà Nội (giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021), Thanh tra Chính phủ (TCCP) đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các bệnh viện ở Hà Nội.

Mua bán thiết bị lòng vòng làm tăng chi phí

Theo cơ quan thanh tra, do triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, lực lượng y tế của TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tích cực ứng trực ngày đêm với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Kết quả là tình hình dịch bệnh Covid-19 nơi đây cơ bản được kiểm soát, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, triển khai mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phòng, chống dịch vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm, trong đó có những sai phạm ở một số bệnh viện.

Thanh tra chong dich anh 1

Bệnh viện Bắc Thăng Long. Ảnh: Đ.T.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định các bệnh viện Đông Anh, Bắc Thăng Long, Sơn Tây mở thầu sớm so với thời gian quy định tại hồ sơ yêu cầu của gói thầu mua sắm thiết bị, nhưng chưa tuân thủ quy định tại Nghị định 63/2014 của Chính phủ. Tờ khai hàng hóa nhập khẩu của các loại thiết bị y tế do nhà thầu cung cấp cho CDC và các bệnh viện (bản chụp) đều bị tẩy xóa, che khuất giá thiết bị.

Trong đó, Bệnh viện Đông Anh mua sắm gói thầu có thay đổi từ máy thở E360E sang máy thở E360T, nhưng không lấy ý kiến của Hội đồng khoa học, Hội đồng mua sắm và chuyên gia. Cơ sở y tế này cũng phê duyệt dự toán một số gói thầu tư vấn có giá trị cao hơn mức quy định tại Nghị định 63/2014 của Chính phủ, nhưng không lập dự toán với tổng số tiền gần 18 tỷ đồng.

Tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, TTCP xác định cơ sở y tế này mua sắm máy thở và máy theo dõi bệnh nhân cùng thời điểm, nhưng chia nhỏ thành các gói thầu để phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc này không đảm bảo theo quy định tại Khoản 3, Điều 33 Luật Đấu thầu 2013.

Về giá trang thiết bị y tế, kết luận thanh tra nêu giá của 20 loại thiết bị y tế do các nhà thầu cung cấp cho 31 bệnh viện thuộc Sở Y tế (58 gói thầu) được mua bán qua nhiều công ty trung gian. Mỗi lần mua bán giá trang thiết bị đều có mức chênh lệch tăng cao, dẫn đến giá của đơn vị trúng thầu cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu. Cụ thể, tổng giá trị trúng thầu là trên 134 tỷ đồng, giá trị nhập khẩu và phụ kiện mua thêm gần 62 tỷ đồng. Như vậy mức chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu là gần 73 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mặt hàng kit realtime PCR chẩn đoán Sars-Cov-2 được CDC Hà Nội và các bệnh viện mua của đơn vị trực tiếp nhập khẩu (Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông), hoặc sản xuất trong nước (Công ty Việt Á, Công ty Sao Thái Dương), còn lại hầu hết đơn vị trúng thầu là đơn vị thương mại.

Do đó, một số gói thầu cung cấp sinh phẩm, vật tư, kít xét nghiệm của một số công ty có chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu so với giá nhập khẩu. Cụ thể Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông nhập khẩu kit realtime PCR và trúng thầu có mức giá chênh lệch 2,49 lần. Công ty 3TK nhập khẩu và trúng thầu cung cấp vật tư y tế (7 mặt hàng) cho CDC Hà Nội có mức chênh lệch giữa giá bán và giá mua từ 1,68 lần đến 5,52 lần. Còn Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam nhập khẩu và trúng thầu có mức chênh lệch từ 2,79 lần đến 4,59 lần.

Hàng loạt gói thầu bị đội giá

Ngoài ra, 7 gói thầu mua sắm 7 Máy X-quang di động Kỹ thuật số. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc, do 7 bệnh viện làm chủ đầu tư, với tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng. Các bệnh viện này gồm Đa khoa Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Phổi Hà Nội, Thanh Nhàn và Xanh Pôn. Theo TTCP, tổng giá trị nhập khẩu các thiết bị này là hơn 10,5 tỷ. Sau khi nhà thầu giảm giá còn trên 23 tỷ, như vậy số tiền chênh lệch là gần 13 tỷ.

34 gói thầu khác do Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách là đơn vị trúng thầu. Trong đó, 4 gói thầu mua sắm 12 máy thở chức năng cao Puritan, do 4 bệnh viện (Đa khoa Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long) làm chủ đầu tư, với tổng giá trị trúng thầu gần 10 tỷ. Sau khi nhà thầu giảm giá còn hơn 7,5 tỷ đồng, như vậy số tiền chênh lệch là 3,4 tỷ.

Theo TTCP, trách nhiệm để xảy ra những vi phạm trên thuộc CDC, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế và cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Từ kết luận, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Giám đốc CDC Hà Nội và các bệnh viện rà soát toàn bộ chi phí tư vấn đối với tất cả gói thầu để giảm trừ, thu hồi theo đúng quy định, đảm bảo không thất thoát ngân sách Nhà nước.

Về xử lý trách nhiệm, TTCP kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức xử lý nghiêm đối với một số vi phạm như đã nêu trong kết luận thanh tra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật