Những đại án tham nhũng lớn trong năm 2022
Trong năm qua, 3 ngành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử nhiều đại án liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực, từ đó củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ thông thầu tại AIC. Ảnh: Hà Hùng
Trong năm 2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Lao Động điểm lại một số vụ án trọng điểm được xét xử trong năm 2022.
Vụ thông thầu của Công ty AIC
Theo thông báo của chủ toạ Mai Văn Quang, ngày 4/1 tới đây, TAND Hà Nội sẽ ra phán quyết với 36 bị cáo trong vụ thông thầu của Công ty AIC tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Ở vụ án này, theo như đại diện Viện KSND Hà Nội đánh giá trong phần luận tội, "vụ AIC là minh hoạ điển hình của lợi ích nhóm".
Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành. Ảnh: Hà Hùng
Sở dĩ đưa ra nhận định này, Viện Kiểm sát chỉ ra sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền. Vì lợi ích vật chất, họ đã thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
Hành vi đó xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức của các cá nhân ở Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh Đồng Nai, làm cho một bộ phận công chức bị thoái hoá, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Trong số các bị cáo có nhiều người là nguyên lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai như: Trần Đình Thành - cựu Bí thư; Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch UBND; Bồ Ngọc Thu - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phan Huy Anh Vũ - cựu Giám đốc Sở Y tế...
Những người này vì động cơ cá nhân, đã nhận hối lộ từ dàn lãnh đạo Công ty AIC, tạo điều kiện cho doanh nghiệp này trúng 16 gói thầu tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỉ đồng.
Bảo kê cho trùm buôn lậu xăng
Ngày 29.12.2022 vừa qua, Toà án quân sự Trung ương đã tuyên bản án phúc thẩm với 9 bị cáo trong vụ án bảo kê cho trùm buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu.
Các bị cáo kháng cáo trong vụ án bảo kê buôn lậu xăng. Ảnh: Toà án
Trong số các bị cáo xin giảm nhẹ, có hai cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và 4 Lê Xuân Thanh, Lê Văn Minh, song toà phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của 2 ông này, giữ nguyên mức án 12 năm và 15 năm với họ về tội "Nhận hối lộ".
Do bị cáo - cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh thay đổi kháng cáo, thừa nhận hành vi "Nhận hối lộ", xin giảm nhẹ nên tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo tuyên mức án từ tù chung thân xuống còn 22 năm tổng cộng 2 tội "Nhận hối lộ", "Tổ chức trốn đi nước ngoài trái phép".
Theo cáo buộc, từ tháng 9/2019-2/2021, tại một số đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam, các bị cáo đã tạo điều kiện cho đường dây của ông Hữu vận chuyển và tiêu thụ xăng lậu trên biển trong thời gian dài. Số tiền hối lộ được xác định khoảng 38 tỉ đồng.
188 ha đất vàng rơi vào tay tư nhân
Các bị cáo trong vụ án 188ha đất vàng rơi vào tay tư nhân. Ảnh: Công Hùng
Theo bản án sơ thẩm, Tổng công ty 3/2 là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng công ty 3/2, các bị cáo đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Cụ thể, các bị cáo nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương gồm: Trần Văn Nam - Bí thư, Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND... "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cấp phúc thẩm đã chấp nhận giảm án cho cựu Chủ tịch Trần Thanh Liêm từ 7 năm còn 6 năm; Trần Nguyên Vũ - cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương giảm từ 23 năm còn 21 năm tổng cộng 2 tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản".
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, tòa phúc thẩm giữ nguyên, trong đó có mức án với 26 bị cáo còn lại.
Cụ thể, bị cáo Trần Văn Nam (không kháng cáo) lĩnh 7 năm tù; 25 người còn lại lĩnh từ 3 năm tù treo đến 27 năm tù giam về các tội "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Vụ biển thủ 3,8 triệu USD
Hôm 24/11/2022, TAND Hà Nội đã công bố bản án với 8 bị cáo liên quan đến hành vi biển thủ 3,8 triệu USD (tương đương hơn 66 tỉ đồng) xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Các bị cáo trong vụ biển thủ 3,8 triệu USD tại phiên toà sơ thẩm. Ảnh: Việt Dũng
Ở vụ án này, ngoài sai phạm của dàn cựu lãnh đạo Công ty Dược Cửu Long (thuộc Bộ Y tế), còn có hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" của cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.
Ông Quang được xác định thiếu trách nhiệm khi được giao nhiệm vụ kiểm tra số tiền 3,8 triệu USD mà Công ty Dược Cửu Long được giảm trong quá trình mua nguyên liệu, chế biến thuốc phòng chống dịch cúm A/H5N1.
Toà xác định, hành vi của nhóm bị cáo cựu lãnh đạo, cán bộ Công ty Dược Cửu Long là nguy hiểm, đã làm trái công vụ, cố ý dùng các thủ đoạn che giấu việc được giảm giá, gây thiệt hại số tiền hơn 3,8 triệu USD của Nhà nước. Trong đó, nhiều bị cáo có yếu tố vụ lợi.
Toà sơ thẩm đã tuyên phạt 8 bị cáo từ 2 năm tù treo đến 9 năm tù giam về các tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Vụ nâng khống thiết bị xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai
Đây là vụ án được dư luận, đặc biệt là những bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai quan tâm. Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 1.2022.
Các bị cáo trong vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Việt Dũng
Các bị cáo trong vụ án đã thông đồng để nâng khống giá thiết bị y tế lên tới 300%, khiến người bệnh phải trả phí cao hơn thực tế nhiều lần.
Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Quốc Anh - cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và bị TAND Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù.
7 bị cáo còn lại bị cấp sơ thẩm tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 3 năm 6 tháng tù giam.
HĐXX cho rằng, các bị cáo đã cố tình làm trái, xâm phạm đến quyền lợi của người bệnh, gây dư luận xấu, làm mất niềm tin của nhân dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.