Mức án nào cho tội lừa đảo xuất khẩu lao động?
Hải Dương - Vụ lừa đảo xuất khẩu lao động tại Hải Dương đã gây xôn xao dư luận. Nhiều nạn nhân sập bẫy, mất hàng trăm tỉ đồng vì tin lời hứa hẹn.
Vụ lừa đảo xuất khẩu lao động và kết hôn Hàn Quốc gây xôn xao dư luận tại Hải Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Như báo Lao Động đã phản ánh, Trịnh Thị Chiên (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã lợi dụng lòng tin và nhu cầu đi xuất khẩu lao động, du học cũng như kết hôn với người Hàn Quốc để chiếm đoạt số tiền lớn lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Chiên không thực hiện cam kết, thậm chí cắt đứt liên lạc với nhiều người.
Bà Trịnh Thị T (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), một trong những nạn nhân của Chiên, chia sẻ rằng bà đã bị lừa mất 4 căn nhà và 20 tỉ đồng. Theo bà, sau khi được giới thiệu, bà biết đến Chiên là người chuyên môi giới lao động đi Hàn Quốc, hỗ trợ học sinh và phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc với mức thu nhập hấp dẫn. Tin tưởng vào lời giới thiệu, bà đã tìm đến văn phòng của Chiên và giới thiệu cho cháu ngoại đi lao động tại Hàn Quốc.
Không chỉ bà T, bà Nguyễn Thị Liên H (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bị Chiên lừa gần 4 tỉ đồng. Bà H cho biết, Chiên đã tiếp cận bà với lời hứa giúp con bà – người đang mắc bệnh – sang Hàn Quốc để chữa trị, khiến bà đặt trọn niềm tin và giao toàn bộ số tiền.
Tương tự, ông Nguyễn Văn T (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cũng bị lừa gần 20 tỉ đồng sau khi tin tưởng đầu tư vào dự án hợp tác kinh doanh dài hạn do Chiên đề xuất.
Sập bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động, nhiều người mất trắng tại Hải Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiện, các nạn nhân đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng. Công an tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận vụ việc và tiến hành điều tra để làm rõ vụ việc.
Trao đổi với Lao Động, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho biết, hành vi như mô tả trên có dấu hiệu cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra cần khẩn trương điều tra, xem xét dấu hiệu tội phạm đối với trường hợp trên.
Đặc biệt, tại khoản 4 của điều luật này quy định, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Hành vi phạm tội dẫn đến người bị hại tự sát hoặc tử vong. Đây là khung hình phạt nặng nhất đối với hành vi lừa đảo, nhằm đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa vi phạm trong xã hội.
Trước thực trạng ngày càng tinh vi của các hành vi lừa đảo, Luật sư Quách Thành Lực cho rằng mỗi cá nhân cần nâng cao cảnh giác, không dễ dàng tin tưởng vào những lời hứa hẹn lợi nhuận cao bất thường hoặc các giao dịch không rõ ràng. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.