Mạo danh trung tâm đào tạo lái xe, chiếm đoạt tiền khách hàng
Do nhu cầu học lái xe ôtô của người dân tăng cao, nhiều đối tượng đã lợi dụng, lấy tên miền, Fanpage Facebook của Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) để thu hồ sơ, lừa đảo học viên, chiếm đoạt tiền.
Nhan nhản địa chỉ giả mạo
Do nhiều người có tâm lý lo sợ chương trình đào tạo, sát hạch lái xe ôtô tới đây sẽ áp dụng nhiều môn học và bài thi mới nên đổ xô đi đăng ký học bằng lái xe. Nắm bắt nhu cầu thực tế, nhiều đơn vị tư vấn công khai chạy quảng cáo trên các trang website, Facebook, Zalo… mạo danh các trung tâm đào tạo lái xe uy tín được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Các website này sử dụng đủ chiêu trò, hình thức chèo kéo và chào mời quảng cáo về khóa học bằng lái xe B1, B2, C giá rẻ, nhiều ưu đãi.
Theo ghi nhận của Lao Động, trên mạng internet, nhiều website đang rầm rộ quảng cáo là “Trường dạy lái xe ôtô cảnh sát Phòng cháy chữa cháy”, nhằm lợi dụng danh tiếng của các cơ quan chức năng để thu hút người học. Các website còn đưa ra các chương trình khuyến mãi vô cùng hấp dẫn như học phí lấy bằng B1 từ 21,5 triệu giảm còn 12,9 triệu đồng; bằng B2 từ 19,8 triệu còn 11,9 triệu đồng; Bằng C từ 23,2 triệu giảm còn 13,9 triệu đồng. Hỗ trợ học đậu 100%, học 1 thầy - 1 trò - 1 xe, trả góp 0% lãi suất...
Mới đây, anh Nguyễn Văn Thành (tên nhân vật được yêu cầu thay đổi) đã mất số tiền cọc khi nộp tiền qua website Laixecanhsat.com. Anh Thành kể, do có nhu cầu học lái xe ôtô bằng B2 nên qua tìm hiểu trên mạng, khi thấy trung tâm có tên miền là website là laixecanhsat.com, anh bị thu hút bởi những lời quảng cáo "có cánh" tại đây.
Với mức quảng cáo chi phí 11,9 triệu đồng với hạng bằng B2, anh đã liên hệ qua hotline: 0961.132.xxx để được tư vấn và đăng ký khóa học. Lúc này, người của website cho biết, anh sẽ phải chuẩn bị thẻ căn cước và khoảng 3 triệu đồng khi trao đổi khóa học. Sau khi đồng ý và đóng 2 triệu đồng tiền cọc, anh Thành tiếp tục nhận được yêu cầu phải nộp nốt 1 triệu đồng tiền cọc chỗ học và thêm 5 triệu đồng để bảo lưu hồ sơ với đơn vị sát hạch của Bộ GTVT.
Khi nghi ngờ mình đã bị lừa nhưng chưa thể đến trực tiếp địa chỉ website cung cấp, anh Hoàng đã nhờ người quen tới địa chỉ số 139 Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội (địa chỉ được quảng cáo) thì phát hiện không có cơ sở nào với tên như trên website mà anh đã đăng ký. "Họ quảng cáo trung tâm dạy lái xe của đơn vị công an lại có nhiều ưu đãi nên tôi đã rất tin tưởng" - anh Thành kể lại.
PV Báo Lao Động đã trực tiếp đến địa chỉ trên, song không có bất kỳ văn phòng đào tạo lái xe có tên như trên.
Không quảng cáo đào tạo trên các trang web, mạng xã hội
Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe - Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC), cho biết, trước đây cũng đã xảy ra nhiều trường hợp các cơ sở đào tạo mạo danh trường để tuyển sinh, thu hồ sơ của học viên. Tất cả địa chỉ tại website nêu trên đều không phải là văn phòng của trung tâm.
Theo vị lãnh đạo, các trung tâm đào tạo lái xe của ngành Công an, ngoài nhiệm vụ đào tạo lái xe cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng thì có đào tạo thêm dân sự và chỉ mở văn phòng tại địa chỉ duy nhất tại 243 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Trung tâm không quảng cáo đào tạo trên các trang web, mạng xã hội. Việc đăng ký, mua hồ sơ tham dự được thực hiện trực tiếp ở địa chỉ văn phòng nêu trên.
Trung tâm khuyến cáo, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước khi đăng ký học lái xe, người dân cần thận trọng kiểm tra kỹ nguồn gốc và uy tín của các trung tâm đào tạo để không trở thành nạn nhân của những trung tâm không phép.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn luật sư TP Hà Nội, khi nộp hồ sơ, người học phải ký kết hợp đồng đào tạo với trung tâm, cơ sở đào tạo. Trong đó, hợp đồng sẽ nêu rõ về địa điểm học, thời gian đào tạo, quá trình học lý thuyết, sa hình, trên đường, dự kiến thời gian thi… Khi người học hoàn thành khóa đào tạo, phải thanh lý hợp đồng theo đúng quy định. Đặc biệt, hình ảnh trong hồ sơ học viên sẽ được chụp tại địa điểm ghi danh, tránh trường hợp gian lận.
Cũng theo luật sư Nghĩa, các mạng xã hội ngày càng phát triển tạo cơ hội cho nhiều hình thức lừa đảo xuất hiện. Do đó, người dân không nên tin tưởng chuyển tiền cho “thầy giáo” tự xưng để tránh tiền mất tật mang. Đồng thời, cũng tránh tin vào những lời quảng cáo giới thiệu hình thức "bao đậu", bởi điều này là không thể có.