A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lắp camera để xử lý vi phạm, kịp thời phát hiện hư hỏng cầu Long Biên

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) ngày 9/6, sau khi lắp đặt, đơn vị sẽ trích xuất camera hàng tuần gửi về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Cảnh sát giao thông Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội.

Lắp 3 camera để theo dõi trạng thái của cầu

Trước tình trạng nhiều xe thồ quá tải vẫn lưu thông trên cầu Long Biên (Hà Nội) gây ảnh hưởng đến chất lượng cầu, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đã lắp 3 camera để theo dõi trạng thái của cầu, đồng thời phát hiện những vi phạm để xử lý.

Đơn vị này cũng bố trí 50 nhân viên chia làm 5 tổ phục vụ công tác quản lý, duy tu cầu Long Biên. Trong đó, 1 tổ làm nhiệm vụ tuần đường, 1 tổ bảo vệ cầu và 3 tổ duy tu.

Hiện, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu Long Biên là 15km/giờ (trước đây là 25 đến 30km/giờ).

Lắp camera để xử lý vi phạm, kịp thời phát hiện hư hỏng cầu Long Biên

Mặc dù bị cấm lưu thông trên cầu Long Biên song nhiều tài xế xe ô tô vẫn cố tình vi phạm

Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải cũng đề xuất cần nghiên cứu biện pháp cưỡng chế như chôn cọc hoặc xây trụ giao thông hai bên cầu để hạn chế tình trạng xe lam, xe thồ hàng nặng cồng kềnh đi qua cầu Long Biên gây ảnh hưởng đến hạ tầng kết cấu cầu.

Mới đây, đơn vị quản lý cầu Long Biên cũng đã đề nghị Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội bố trí hệ thống biển báo cấm xe ô tô, xe máy thồ, xe ba gác qua cầu (24/24h).

Đồng thời, Cục Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông qua cầu đúng quy định và xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Trước đó khoảng 10h ngày 28/5, khi một xe ba gác qua cầu, đến đoạn qua bãi giữa do chở nặng cồng kềnh đã gây ra một lỗ thủng to có đường kính khoảng 60x80cm mặt cầu Long Biên.

Lên phương án đảm bảo an toàn cho cầu Long Biên

Vấn đề bảo đảm an toàn cho cây cầu Long Biên càng trở nên cấp thiết khi trong tháng 5 vừa qua đã liên tiếp xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông.

Theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên, để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng đã cắm biển cấm ô tô, cấm xe máy thồ, xe đạp thồ lưu thông qua cầu từ 5 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng vi phạm biển cấm vẫn xảy ra.

Mới đây, đơn vị quản lý đã tổ chức theo dõi, kiểm đếm phương tiện qua cầu Long Biên. Kết quả cho thấy, chỉ tính riêng từ 14 giờ đến 20 giờ ngày 30/5, đã phát hiện có 150 xe ba gác, xe thồ chở nặng đi qua cầu. Bên cạnh đó, tình trạng người dân họp chợ trên cầu vẫn tái diễn, dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân, xử lý.

Lắp camera để xử lý vi phạm, kịp thời phát hiện hư hỏng cầu Long Biên

Đơn vị chức năng vá lỗ thủng trên cầu Long Biên

Về kinh phí bảo trì cầu Long Biên, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao 9,7 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, trong đó phần duy tu đường sắt hơn 7 tỷ đồng, phần bảo vệ, tuần cầu đảm bảo an toàn giao thông 1,3 tỷ đồng và phần đường bộ 400 triệu đồng... Tuy nhiên, số kinh phí này chỉ đáp ứng được 35 - 40% so với yêu cầu.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khắc phục ngay những hư hỏng, đồng thời kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa.

Trước mắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thiết kế hệ dầm đỡ tấm đan, không để xảy ra tình trạng thủng tấm đan tái diễn. Tuy nhiên, số lượng tấm đan của cây cầu này rất lớn, lên tới gần 10.000 tấm đan.

Ngay trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn để sửa chữa phần đường bộ. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, cây cầu vẫn đảm bảo an toàn cho giao thông đường sắt, đường bộ, bởi các yêu cầu kỹ thuật vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Về lâu dài, cây cầu này cần có dự án tổng thể để gia cố nâng cấp chứ không thể kéo dài mãi việc sửa chữa chắp vá, nhỏ lẻ như hiện tại.

Thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên nữa, chỉ còn tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Sau khi bàn giao xong, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng với cầu Long Biên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật