A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiêu trò tinh vi của nhóm lừa đảo xuất khẩu lao động, du học

Xuất khẩu lao động và du học là ước mơ của nhiều bạn trẻ, tuy nhiên có không ít kẻ lừa đảo dùng chiêu trò tinh vi để trục lợi, khiến nhiều người lâm vào nợ nần.

Chiêu trò tinh vi của nhóm lừa đảo xuất khẩu lao động, du học

Bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động, miếng mồi ngon cho kẻ gian

Anh Nguyễn Duy An (Yên Bái) sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội và qua bạn bè, đã biết đến một công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội.

Với mong muốn sang Hàn Quốc làm việc theo diện xuất khẩu lao động thời vụ, An đã liên hệ với một người có tên Facebook là Chung Hoàng Xklđ, người này giới thiệu cho An visa E8. Theo thỏa thuận, chi phí cho chuyến đi là 160 triệu đồng, bao gồm tiền học tiếng và thi tay nghề.

Đoạn hội thoại, đối tượng nhắn tin số tiền cần nộp và bao đỗ cho nhóm người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc

Đoạn hội thoại, đối tượng nhắn tin số tiền cần nộp và "bao đỗ" cho nhóm người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc

An cho biết: "Khi tham gia thi lần đầu về tay nghề, tôi đã không đỗ. Tuy nhiên, đối tượng lại thông báo rằng, tôi nằm trong danh sách đỗ, và yêu cầu tôi đóng thêm 25 triệu đồng để họ "gạt" người đỗ nhằm giúp tôi được xuất khẩu lao động sớm hơn".

Tin tưởng vào lời hứa này, An đã chuyển số tiền theo yêu cầu của đối tượng mà không chút nghi ngờ.

Sau khi chuyển số tiền trên, một tuần trôi qua, An liên lạc cho đối tượng thì được hứa hẹn rằng, kết quả sẽ có sau 2-3 tuần nữa. Thời gian cứ thế trôi đến nay đã 6 tháng nhưng An vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về lịch xuất khẩu lao động.

Chỉ đến khi thấy trên mạng xã hội xuất hiện nhiều người chia sẻ về việc bị lừa tương tự, An mới nhận ra rằng, mình đã trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo.c

Chung nỗi bức xúc và lo lắng với An, Lê Văn Hòa ở Nam Định cũng rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo mang tên Chung Hoàng Xklđ trên Facebook.

Hòa cho biết: "Vừa tốt nghiệp THPT, tôi muốn đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc để cải thiện kinh tế cho gia đình. Hàng xóm của tôi cũng đã nhờ anh Chung Hoàng lo thủ tục để sang Hàn Quốc, nên tôi tin tưởng hoàn toàn.

Khi họ yêu cầu nộp tiền, gia đình tôi đã phải vay mượn để nộp hơn 80 triệu đồng". Dù đã nộp tiền, nhưng Hòa không hề nhận được bất kỳ giấy tờ biên nhận nào và hiện tại, kẻ môi giới đã bỏ trốn.

Trước nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng tăng, đặc biệt là từ những bạn trẻ mới tốt nghiệp THPT mong muốn xuất khẩu lao động hoặc du học, các đối tượng lừa đảo đã không bỏ lỡ cơ hội. Với những chiêu trò tinh vi và quảng cáo hấp dẫn, chúng lôi kéo những người nhẹ dạ vào bẫy. Hậu quả là người dân, vốn đã không có tiền lại gánh thêm một khoản nợ khổng lồ.

Theo luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, đối với hành vi lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động, có hai hình thức xử lý vi phạm là xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để phòng tránh lừa đảo và trục lợi, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước khuyến cáo người lao động phải tìm hiểu thông tin một cách kỹ lưỡng.

Khi có nhu cầu làm việc tại Hàn Quốc, người lao động cần liên hệ trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương, Trung tâm Lao động Ngoài nước, hoặc các doanh nghiệp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan