A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng chục triệu sinh viên tốt nghiệp là thách thức lớn cho thị trường việc làm

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đình trệ, nhu cầu tuyển dụng thấp, hơn 12,22 sinh viên tốt nghiệp đang là thách thức lớn cho thị trường việc làm.

Các công việc trong ngành công nghệ nổi lên giữa thị trường lao động ảm đạm.
Các công việc trong ngành công nghệ nổi lên giữa thị trường lao động ảm đạm.

Theo thông tin từ Chính phủ Trung Quốc, hơn 12,22 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2025 chuẩn bị gia nhập lực lượng lao động. Đây là số lượng tân cử nhân cao nhất từ trước đến nay.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (tuổi 16 - 24, không bao gồm sinh viên hiện tại) đã giảm từ 16,5% vào tháng 3 xuống còn 14,2% vào tháng 5. Tuy vậy, con số này vẫn cao gần gấp 3 lần mức trung bình ở thành thị và cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, sinh viên đã tốt nghiệp, nhóm không nằm trong số liệu thất nghiệp kể từ sau khi tỷ lệ này đạt 21,3% vào tháng 6/2023, đang phải đối mặt với những khó khăn riêng biệt và ngày càng rõ rệt.

Sự không chắc chắn trong quan hệ thương mại với Mỹ, dù đã tạm thời hạ nhiệt sau thỏa thuận đình chiến 90 ngày vào tháng trước, vẫn tiếp tục phủ bóng lên các ngành công nghiệp chủ lực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, một trong những ngành truyền thống cung cấp việc làm cho sinh viên mới ra trường.

Ông Christopher Beddor, chuyên gia từ công ty nghiên cứu toàn cầu Gavekal Dragonomics nhận định: “Người trẻ gần như luôn gánh chịu thiệt hại lớn nhất trong các cú sốc thị trường lao động”.

Để ứng phó, chính phủ và các trường đại học đã triển khai hàng loạt sáng kiến việc làm. Bộ Giáo dục phát động chiến dịch “chạy nước rút 100 ngày” nhằm mở rộng cơ hội việc làm, cung cấp trợ cấp tuyển dụng và tìm việc, đồng thời phát triển các khóa học ngắn hạn giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thực tế.

Một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Tô Châu đã triển khai hỗ trợ tài chính từ một đến hai nghìn nhân dân tệ cho các nhà tuyển dụng khi tuyển sinh viên mới tốt nghiệp. Riêng tại Thượng Hải, các doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu dành ít nhất 60% vị trí việc làm mới cho sinh viên tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, các trường đại học cũng áp dụng biện pháp kéo dài chương trình đào tạo. Đơn cử, thời gian học ngành Tiếng Anh và Thú y nâng từ 4 lên 5 năm, với lý do “đào tạo liên ngành” và “tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia”.

Song song, một số chương trình nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ cũng kéo dài thêm một năm. Ngược lại, một số ngành như kiến trúc lại rút ngắn thời gian đào tạo, phản ánh nhu cầu lao động giảm mạnh trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản.

Đáng chú ý, trong khi phần lớn thị trường lao động ảm đạm thì ngành công nghệ lại phát triển mạnh. Các tập đoàn lớn như Tencent, Huawei và Baidu tuyên bố mở các chiến dịch tuyển dụng quy mô lớn.

Tencent cam kết tuyển 28 nghìn sinh viên tốt nghiệp trong vòng 3 năm còn Huawei sẽ tuyển 10 nghìn sinh viên trong các lĩnh vực như AI, thiết kế chip, phát triển phần mềm. Baidu cũng công bố chiến dịch tuyển dụng lớn nhất từ trước đến nay, chủ yếu cho các vị trí liên quan đến AI.

Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực này, cơ hội vẫn còn hạn chế và mang tính cạnh tranh cao, không đủ vị trí cho toàn bộ lượng sinh viên tốt nghiệp. Trong khi chính phủ và các trường đang tìm cách trì hoãn hoặc tái đào tạo, thì vấn đề cốt lõi, sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động, đặc biệt ở các ngành truyền thống, vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trong quá khứ, Chính phủ Trung Quốc từng khuyến khích sinh viên theo học sau đại học để trì hoãn gia nhập thị trường lao động. Nhưng hiện tại, “hiệu ứng trì hoãn” đã hết tác dụng, bởi nhiều người trong số đó nay đã tốt nghiệp, càng làm gia tăng áp lực cho thị trường lao động vốn đã bão hòa.

Theo University World News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật