Giá gạo ở Nhật Bản tăng gấp đôi so với năm ngoái
Giá gạo tăng mạnh kéo dài nhiều tháng, gây sức ép lên Thủ tướng Nhật Bản và tác động lớn đến đời sống người dân.
Người tiêu dùng chọn mua gạo trong một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Xinhua
Giá gạo tại Nhật Bản tiếp tục tăng vọt, với mức tăng 99,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu chính thức được công bố.
Trước đó, giá gạo đã tăng 101% vào tháng 5; 98,4% vào tháng 4 và hơn 92,5% trong tháng 3. Tình trạng này đã góp phần vào việc sụt giảm mạnh mức ủng hộ đối với Thủ tướng Shigeru Ishiba.
Tình trạng giá gạo leo thang được cho là do nhiều nguyên nhân. Một mùa hè khô hạn và nắng nóng cực đoan 2 năm trước đã gây thiệt hại lớn cho vụ mùa, dẫn đến nguồn cung gạo bị thiếu hụt. Một số thương nhân cũng bị cáo buộc tích trữ gạo để chờ giá tăng nhằm kiếm lời.
Thêm vào đó, cảnh báo của chính phủ về nguy cơ xảy ra một “siêu động đất” đã dẫn đến tình trạng người dân đổ xô tích trữ gạo, đẩy giá lên cao hơn nữa.
Chính phủ buộc phải thực hiện biện pháp bất thường, giải phóng kho dự trữ khẩn cấp từ tháng 2. Đây là nguồn dự trữ thường chỉ dùng trong trường hợp thiên tai.
Trong khi đó, lạm phát lõi tại Nhật Bản đã chậm lại còn 3,3% trong tháng 6 so với mức 3,7% của tháng 5. Tuy nhiên, giá tiêu dùng - không tính năng lượng và thực phẩm tươi sống - vẫn tăng 3,4%, phản ánh chi phí sinh hoạt tiếp tục leo thang.
Vấn đề giá gạo tăng cùng với những bê bối trong nội bộ đảng cầm quyền đã làm suy yếu sự ủng hộ dành cho ông Ishiba. Kết quả bầu cử tháng 10 trước đó khiến liên minh của ông mất thế đa số tại hạ viện, đánh dấu thất bại nặng nề nhất trong 15 năm của Đảng Dân chủ Tự do (LDP).
Khảo sát mới nhất cho thấy liên minh cầm quyền có thể tiếp tục mất đa số tại Thượng viện sau cuộc bầu cử sắp tới, điều này có thể buộc ông Ishiba từ chức sau chưa đầy 1 năm tại nhiệm.
Cùng lúc, ông còn chịu sức ép lớn trong đàm phán thương mại với Mỹ nhằm tránh mức thuế 25% dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.8. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn Nhật Bản tăng nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ, đặc biệt là khí đốt, ôtô và gạo, nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương trị giá 70 tỉ USD.
Ông Ishiba đã cử đặc phái viên Ryosei Akazawa tới Washington 7 lần để tìm kiếm giải pháp và dự kiến gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào cuối tuần này.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dù đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm ngoái nhưng đang buộc phải thận trọng hơn do lo ngại ảnh hưởng từ các rào cản thương mại.