A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU đề xuất dự thảo ngân sách gần 2.000 tỉ euro

Liên minh châu Âu (EU) đề xuất ngân sách gần 2.000 tỉ euro cho 7 năm tới trong bối cảnh khối đang tìm cách ứng phó với một loạt thách thức, từ cạnh tranh kinh tế toàn cầu gia tăng đến nhu cầu quốc phòng ngày càng tăng.

EU đề xuất dự thảo ngân sách gần 2.000 tỉ euro

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Xinhua

Kế hoạch ngân sách này, dự kiến có hiệu lực từ năm 2028 tới 2034, đã được nhất trí sau các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài đến tận đêm 15.7 và được nêu ra sáng 16.7.

"Đây là ngân sách phản ánh đúng tham vọng của châu Âu, đối mặt với những thách thức của châu Âu và củng cố nền độc lập của chúng tôi. Ngân sách lần này lớn hơn, thông minh hơn và sắc bén hơn. Nó mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, đối tác và tương lai của chúng ta" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định.

Mức 1.980 tỉ euro thể hiện bước nhảy vọt đáng kể so với mức 1.200 tỉ euro, được phân bổ trong chu kỳ ngân sách gần nhất, từ năm 2021 đến năm 2027.

Dự thảo kế hoạch bao gồm một quỹ năng lực cạnh tranh, thịnh vượng và an ninh trị giá 589,6 tỉ euro, trong đó 450,5 tỉ euro được dành cho quỹ năng lực cạnh tranh của EU.

Nông nghiệp, vốn từ lâu đã là một trong những nền tảng của ngân sách EU, sẽ nhận được một khoản tài trợ lớn với 293,7 tỉ euro được đề xuất cho chính sách nông nghiệp chung của khối.

Đề xuất ngày 16.7 cần sự ủng hộ nhất trí của các nhà lãnh đạo EU. Ngân sách, được gọi là khuôn khổ tài chính nhiều năm, phải được thông qua vào cuối năm 2027.
Ủy viên EU Michael McGrath nhận định, ngân sách đang được xây dựng "trong những hoàn cảnh đầy thách thức", bao gồm yêu cầu bắt đầu trả nợ COVID-19 của EU vào năm 2028, con số có thể lên tới 25 tỉ euro mỗi năm. "Hai năm đàm phán khó khăn đang chờ đón ở phía trước" - ông nói.

Con số ngân sách khổng lồ này cũng có khả năng vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia thành viên EU vốn đang gặp khó khăn về ngân sách và những quốc gia sẽ chịu trách nhiệm tài trợ phần lớn gói ngân sách thông qua đóng góp quốc gia.

Các cuộc tranh luận về ngân sách của EU từ lâu đã gây tranh cãi, khi khối đang vật lộn với các nhu cầu cạnh tranh từ nông nghiệp đến ngân sách khu vực cho các quốc gia thành viên nghèo hơn.

Đề xuất năm nay để điều chỉnh các ưu tiên chi tiêu của khối từ năm 2028 đến năm 2034 càng quan trọng hơn khi mục tiêu của EU là củng cố năng lực quốc phòng và cải thiện khả năng cạnh tranh khi đối mặt với các mối đe dọa kinh tế từ Mỹ và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Ngân sách dài hạn hiện nay đang tài trợ cho khoảng 50 quỹ của EU, từ các dự án nghiên cứu đến năng lượng. Trong gói đề xuất lần này, Ủy ban châu Âu đề xuất đơn giản hóa quy trình bằng cách gộp nhiều chương trình chi tiêu vào một gói ngân sách quốc gia duy nhất, nhằm cải thiện thủ tục và giải quyết vấn đề cạnh tranh của khối.

Ngân sách EU chủ yếu lấy từ các khoản đóng góp từ các quốc gia thành viên, với các nền kinh tế giàu hơn là những bên đóng góp ròng vào quỹ chung. EU cũng sẽ khai thác các nguồn thu khác, được gọi là nguồn lực riêng của khối. Ủy ban châu Âu đã đề xuất một số cách để trực tiếp huy động thêm kinh phí cho ngân sách của EU lần này, bao gồm áp thuế mới với các công ty kinh doanh tại châu Âu có doanh thu ròng hàng năm vượt mức 100 triệu euro tại một quốc gia EU.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật