Tìm kiếm tác phẩm đỉnh cao cho văn học Việt
Phát triển và khuyến khích văn học là yêu cầu cấp thiết, bởi văn học không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn, phản ánh giá trị xã hội mà còn định hình bản sắc văn hóa dân tộc.
Văn học Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức để chuyển mình. Ảnh: Huyền Chi
Văn học Việt Nam đang vắng bóng những tác phẩm nổi bật
Văn học đổi mới bắt đầu từ năm 1986 và nhanh chóng bội thu các tác phẩm xuất sắc. Những tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh), “Bến không chồng” (Dương Hướng), “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường) cùng với nhiều truyện ngắn gây tiếng vang của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà... Nhưng sau “mùa vàng” đó, các tác phẩm lớn thưa vắng dần.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương từng tổng kết về văn học Việt Nam và nhận định, sau ngày đất nước giải phóng, thi thoảng cũng có những tác phẩm “mấp mé kiệt tác” nhưng dường như nền văn học Việt Nam rất thiếu những tác giả bề thế, những nhà văn lớn với nhiều tác phẩm ở mức đồng đều.
Nhiều năm trở lại đây, các tác phẩm văn học Việt Nam chưa có nhiều đột phá về hình thức, có tính tư tưởng và tầm vóc lớn. Các đề tài như văn học thiếu nhi, văn học về nông nghiệp, nông thôn hay thiên văn, văn hóa truyền thống vắng bóng những tác phẩm lớn.
Trong một lần trò chuyện với phóng viên Lao Động, nhà văn Y Ban cho rằng, văn học vẫn đang có dòng chảy của nó dù cũng gặp muôn vàn khó khăn giữa biến động thời cuộc.
“Nếu cứ nói một câu rằng, chúng ta không có tác phẩm lớn, không có tác giả tài năng - tôi thấy rất buồn. Ví dụ, tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư lần đầu được in đăng, chẳng ai để ý.
Phải đến khi được làm truyền thông, quảng bá, nhà sách in ấn đẹp mắt... “Cánh đồng bất tận” mới gây bão dư luận, được chú ý, và còn chuyển thể dựng thành phim. Các nhà văn vẫn miệt mài với sự nghiệp con chữ nhọc nhằn, hãy cho họ thêm thời gian”, nhà văn Y Ban nói.
Nền văn học hiện đại tạo điều kiện cho tác giả tự do sáng tác và xuất bản. Tuy nhiên, với cả những tác giả đã thành danh hay tác giả trẻ, các tác phẩm đã có sự phong phú về đề tài nhưng còn những hạn chế về hình thức.
Nỗ lực phát triển văn học Việt Nam
Tại Hội thảo Lấy ý kiến Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 4.2025, nhà văn Vũ Thanh Lịch đưa quan điểm cho rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho văn học, thông qua các chỉ thị, nghị quyết, nghị định, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi... Dù vậy, nhà văn Vũ Thanh Lịch nhận định, hoạt động văn học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều tác phẩm đột phá.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá, hiện nay có nhiều giải thưởng văn học, nhưng thực tế thì sách đoạt giải thưởng in ra cũng rất ít người mua. Hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học vẫn hạn chế, khiến nhiều tác phẩm hay chưa đến được đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Dựa trên thực tế và những xu hướng phức tạp của văn học Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến hoàn thiện Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học (sau đây gọi tắt là Nghị định). Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học trở nên cấp thiết, đảm bảo văn học vừa giữ vững truyền thống, vừa tiếp cận những xu hướng sáng tạo mới.
Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu chỉ ra một số khúc mắc đang tồn tại với văn học Việt Nam, như quy trình xuất bản còn phức tạp, việc xuất bản sách đôi khi gặp nhiều rào cản về thủ tục, gây khó khăn cho tác giả và nhà xuất bản; công tác quảng bá và phổ biến tác phẩm văn học hạn chế; chưa có cơ chế tài trợ, đặt hàng sáng tác đủ mạnh để tạo điều kiện cho các nhà văn theo đuổi những đề tài lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; các trại sáng tác chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Trong dự thảo Nghị định, nhiều chính sách, cơ chế được đề xuất để hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học, tổ chức cuộc thi viết, sáng tác tác phẩm văn học và hướng đến các đề tài mang tính đột phá. Nghị định cũng thảo luận về việc tổ chức Giải thưởng văn học quốc gia, nhằm lựa chọn các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, xứng đáng được tôn vinh.
Khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, văn học cũng đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ. Các nền tảng xuất bản điện tử, sách số, văn học mạng, trí tuệ nhân tạo... đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho người cầm bút. Văn học Việt Nam cũng cần có những thay đổi mang tính bước ngoặt...