Hàm Nghi - vị vua gửi hồn quê vào hội họa
Một triển lãm lớn nhất từ trước đến nay về tác phẩm của Tử Xuân - bút danh vua Hàm Nghi - vừa diễn ra tại điện Kiến Trung do Art Republik Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Du khách thưởng lãm các tác phẩm của vua Hàm Nghi. Ảnh: Thành Đạt
Nỗi niềm nghệ sĩ của vị vua bị lưu đày
Chọn cho mình bút danh Tử Xuân có nghĩa là “con trai của mùa Xuân”, vua Hàm Nghi đã ký thác trong nghệ thuật nỗi hoài niệm về quê hương và khát vọng vượt thời gian. Vì thế, khi mượn tứ thơ “Dừng chân đứng lại trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta” của Bà Huyện Thanh Quan để đặt tên cho triển lãm là “Trời, non, nước” ban tổ chức như có một ngụ ý về nỗi niềm của một vị vua bị lưu đày.
Người xem như đắm chìm theo 21 tác phẩm của vị vua yêu nước được trưng bày một cách trang trọng với hiệu ứng ánh sáng nghệ thuật đẳng cấp. Và để có triển lãm như thế này, phải kể đến công sức giám tuyển nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê và TS. Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.
Ít ai biết rằng, những tác phẩm ấy đã xuất hiện trên thị trường nghệ thuật Pháp hơn 15 năm trước từ các bộ sưu tập tư nhân, là hậu duệ của những người bạn mà ngài từng tặng tranh. Như cơ duyên, các nhà sưu tập Việt Nam từ đó đã phát hiện và đưa tranh ông trở về để rồi đến bây giờ mới có triển lãm tranh lớn nhất từ trước đến nay của vua Hàm Nghi.
Ở đó, người xem như đắm chìm trong một bữa tiệc nghệ thuật đỉnh cao với hành trình ngược dòng lịch sử kể về câu chuyện trắc trở, nỗi nhớ quê hương da diết và tình yêu thiên nhiên của vị vua nước Việt vì thời cuộc mà bị lưu đày.
Mỗi tác phẩm mở ra một mảnh ghép trong thế giới nội tâm của vua Hàm Nghi. Ta sẽ bắt gặp được câu chuyện qua tác phẩm tác phẩm Vue de la résidence d’El Biar (Quang cảnh dinh thự ở El Biar) khắc họa nơi ông từng sống tại Alger, một góc bình yên giữa kiếp lưu đày. Hay như Phong cảnh với cây bách (Menthon-Saint-Bernard) (1906) là hình ảnh một vùng quê nước Pháp, nơi ông tìm đến trong những chuyến du ngoạn, thể hiện sự giao thoa giữa thực tại và nỗi nhớ quê nhà. Trong khi đó, Bờ rừng (hồ Geneva) (1920) mang một sắc thái trầm lắng, với những gam màu giàu chiều sâu gợi lên tâm trạng của người nghệ sĩ trước sự mênh mông của thiên nhiên.
Cuộc hội ngộ cảm xúc của lịch sử và nghệ thuật
Giám tuyển - nhà nghiên cứu mỹ thuật kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Art Republik Việt Nam Ace Lê nhận định, tranh của vua Hàm Nghi là sự kết hợp độc đáo giữa tài năng mỹ thuật và tình yêu đất nước, nơi ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương và ẩn chứa cả sự phản kháng ngầm trước những áp bức trong thời gian bị lưu đày. Cựu hoàng vẽ cảnh nhưng thật ra là vẽ tình, cả tình riêng và tình chung.
Theo vị chuyên gia nghệ thuật này, có thể khẳng định Hàm Nghi là ví dụ tiên phong và điển hình cho lối tiếp cận giao thoa mỹ thuật Á - Âu, tiếp thu mà không hòa tan, vẫn giương cao được ngọn cờ bản sắc theo cách riêng của mình. Trong nền kinh tế vị Tây phương và vị thị trường, Hàm Nghi và các tác phẩm của ngài đã bị phủ bụi một thời gian dài, và bây giờ là lúc chúng ta cần kể lại câu chuyện bằng chính ngôn ngữ và góc nhìn bản địa, như đức vua đã từng làm hơn một thế kỷ trước.
Trong khi đó, ông Franck Bolgiani, Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội và Phó Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam cho hay, vua Hàm Nghi không chỉ là một vị hoàng đế mà còn là một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản về hội họa phương Tây. Bằng cách kết hợp những kỹ thuật hàn lâm Pháp với tình yêu sâu sắc đối với thiên nhiên và văn hóa quê hương, ông đã sáng tạo ra những tác phẩm vô cùng độc đáo, ngập tràn cảm xúc và thấm đẫm hoài niệm. Từng bức tranh phong cảnh là một lời tự sự đầy tinh tế về nỗi cô đơn, sự kháng cự và cả vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam vang vọng.
“Qua triển lãm này, chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng ngôn ngữ nghệ thuật của một vị hoàng đế, người dù trong cảnh lưu vong vẫn biết cách làm sống dậy những ký ức và văn hóa của cố hương”, ông Franck Bolgiani nhìn nhận.
Điểm đặc biệt của triển lãm lần này mà người xem có thể cảm nhận được đó là cuộc hội ngộ đầy cảm xúc giữa nghệ thuật và lịch sử khi những tác phẩm của vua Hàm Nghi được hồi cố về lầu Kiến Trung - bên trong Hoàng cung Huế. Đó như lời tri ân sâu lắng gửi đến vị vua bị lưu đày nhưng không lạc mất hồn quê.