Phương pháp điều trị và phòng bệnh béo phì hiệu quả
Béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ lượng mỡ thừa vượt quá mức cần thiết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thực phẩm giàu chất béo, chất ngọt... dễ gây béo phì. Ảnh: Minh Hương
Theo Bác sỹ Chuyên khoa II Hoàng Minh Khoa – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), đây không chỉ là vấn đề về ngoại hình mà còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh mạn tính.
Các phương pháp điều trị và phòng bệnh thừa cân béo phì
Thay đổi khẩu phần ăn
Người bị bệnh béo phì nên hạn chế sử dụng thực phẩm đã qua chế biến, tinh chế vì có nhiều đường, chất béo. Các loại thực phẩm người bệnh cần bổ sung để giúp giảm cân như ngũ cốc nguyên hạt (giúp no lâu do giải phóng năng lượng chậm), các thực phẩm giàu chất xơ (rau, củ, quả) vì chế độ ăn nhiều chất xơ khiến cơ thể cảm thấy no nhanh, ăn ít hơn.
Chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt cũng giúp phòng ngừa một số bệnh liên quan đến hội chứng chuyển hóa.
Khi giảm cân, người bệnh cần tránh chế độ ăn kiêng đột ngột vì sẽ có nhiều rủi ro về các vấn đề sức khỏe như thiếu vitamin, khoáng chất…
Trong một số trường hợp, bác sỹ sẽ đề nghị người bệnh béo phì nghiêm trọng (béo phì độ 3) tuân thủ theo chế độ ăn kiêng phù hợp, ít calo.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Không nên bỏ bữa sáng: việc bỏ bữa ăn sáng sẽ không giúp giảm cân, không bổ sung đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu mà còn khiến ăn vặt nhiều hơn.
Ăn uống điều độ: ăn đúng bữa giúp đốt cháy calo với tốc độ nhanh hơn, ít ăn vặt với thực phẩm giàu chất béo, chất ngọt. Rèn luyện thói quen ăn chậm, nhai kỹ và từ bỏ thói quen vừa ăn vừa xem tivi.
Ăn nhiều rau, củ, quả, yến mạch, bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, mì ống, các loại đậu…, chứa ít calo, ít chất béo nhưng giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho việc giảm cân.
Uống nhiều nước, đảm bảo cung cấp đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya.
Đọc nhãn sản phẩm: chọn thực phẩm có lượng calo cho phép dùng hàng ngày phù hợp với kế hoạch giảm cân theo sự hướng dẫn của bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Dùng đĩa nhỏ: để ăn khẩu phần ít hơn (cơ thể sẽ dần quen với việc ăn ít mà không bị đói).
Không cấm các loại thực phẩm trong kế hoạch giảm cân, đặc biệt những món bạn thích vì sẽ tăng sự thèm ăn. Người đang giảm cân vẫn có thể ăn đa dạng loại thực phẩm nhưng ăn với hàm lượng vừa đủ trong mức calo cho phép tiêu thụ hàng ngày.
Không dự trữ đồ ăn vặt như sô cô la, bánh quy, khoai tây chiên giòn, nước ngọt có gas…
Các món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe có thể lựa chọn như trái cây, bánh gạo không muối, bánh yến mạch, nước ép trái cây…
Không uống quá nhiều rượu, bia.
Sống tích cực, giảm stress.
Lập kế hoạch cho các bữa ăn: sáng, trưa, tối với đồ ăn nhẹ trong tuần, đảm bảo tuân theo lượng calo cho phép tiêu thụ.
Tập thể dục đều đặn
Một người cần đốt cháy 3.500 calo để giảm được khoảng nửa kg chất béo.
Các hoạt động bao gồm: đi bộ nhanh, đi thang bộ, chạy bộ, tập gym, tập aerobic, đạp xe, bơi lội… và các công việc như làm vườn, làm việc nhà… cũng giúp tiêu hao năng lượng.
Nếu người bệnh không có thói quen tập thể dục nên bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng, có sự khởi động.
Phương pháp dùng thuốc
Người bệnh nên đi khám bệnh để bác sỹ chỉ định uống thuốc orlistat (Xenical) giúp giảm cân. Tuy nhiên, người bệnh cần kết hợp thay đổi chế độ ăn uống hợp lý, ít calo, tập thể dục thường xuyên để giảm cân mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phương pháp phẫu thuật
Việc phẫu thuật giúp người bệnh giảm cân, giảm nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, hội chứng chuyển hóa có thể được chỉ định với bệnh béo phì. Phẫu thuật có thể làm cho dạ dày nhỏ lại hoặc có thể bỏ qua một phần của đường tiêu hóa để người bệnh không tiêu thụ nhiều thức ăn hoặc hấp thụ nhiều calo như trước.