A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Sóc Sơn và Thanh Trì tạm dừng dạy liên kết trong nhà trường

Để rà soát, đánh giá lại việc dạy liên kết, hai huyện Sóc Sơn và Thanh Trì của Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường tạm dừng triển khai.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội), địa phương này yêu cầu các trường tạm dừng dạy liên kết theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT bắt đầu từ ngày 2/10.

Ngành Giáo dục huyện sẽ kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc tổ chức giảng dạy chương trình liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa theo tinh thần chung của Bộ GD&ĐT.

Huyện Sóc Sơn và Thanh Trì tạm dừng dạy liên kết trong nhà trường
Ảnh minh họa

Không chỉ có huyện Thanh Trì, Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn đã có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tạm dừng toàn bộ hoạt động liên kết trong các nhà trường trên địa bàn.

Các hoạt động liên kết này bao gồm: dạy kỹ năng sống, bổ trợ tiếng Anh, câu lạc bộ nghệ thuật… Việc tạm dừng được thực hiện cho đến khi các trường học có đầy đủ các loại hồ sơ (tờ trình, đề án dạy học, chương trình dạy học, danh sách giáo viên giảng dạy, đề án sử dụng tài sản công để liên kết) và được phòng GD&ĐT huyện phê duyệt.

Phòng GD&ĐT huyện cũng đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tiếp tục rà soát, kiểm tra hồ sơ của các đơn vị liên kết (giáo dục kỹ năng sống, bổ trợ Tiếng Anh, câu lạc bộ nghệ thuật…) trong các nhà trường. Trong đó lưu ý, việc kiểm tra hồ sơ của các đơn vị liên kết phải có văn bản đồng ý của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc cho phép chương trình dạy học của đơn vị liên kết được triển khai giảng dạy trong các trường học.

Cũng trong chỉ đạo mới đây của Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, cơ quan này đề nghị các trường học tuyệt đối không được ép buộc học sinh, phụ huynh học sinh học các chương trình liên kết (giáo dục kỹ năng sống, bổ trợ tiếng Anh, câu lạc bộ nghệ thuật…) trong nhà trường với bất kỳ hình thức nào; Không sắp xếp thời khoá biểu học chương trình liên kết xen kẽ với các buổi học chính khóa của học sinh.

Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn nếu tự ý triển khai các hoạt động liên kết với các đơn vị liên kết khi chưa có đủ các điều kiện theo quy định và chưa được Trưởng phòng GD&ĐT huyện phê duyệt.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội có nhiều phản ánh liên quan đến việc chèn tiết liên kết vào giờ học chính khóa, khiến phụ huynh học sinh phải tự nguyện đăng ký nhưng trên tinh thần "bắt buộc".

Huyện Sóc Sơn và Thanh Trì tạm dừng dạy liên kết trong nhà trường
Các trường không được tổ chức dạy thêm với học sinh đã học 2 buổi/ngày

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, tại Điều 4 Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT quy định, các trường không được dạy thêm với học sinh đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày.

Không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống. Trong thông tư trên không hề nêu rằng nhà trường có thể tổ chức dạy thêm học thêm nếu có đơn của phụ huynh học sinh.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023 - 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 5/10, ông Đào Tân Lý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hiện nay, chương trình chính khóa với lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; Lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Mỗi tiết học của học sinh tiểu học không quá 35 phút.

Các tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã quán triệt tới từng nhà trường yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cần đảm bảo tinh thần tự nguyện. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung đó. Nhà trường nên khuyến cáo để học sinh chọn từ 1-2 nội dung để bảo đảm vừa sức, không gây áp lực cho học sinh và gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.

Những ngày gần đây, trên báo chí phản ánh có hiện tượng nhà trường cố tình chèn giờ dạy thêm, dạy liên kết vào giờ học chính khóa. Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo tổ chức rà soát, chấn chỉnh nội dung này trong nhà trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan