A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo viên không muốn "mừng hụt" về việc được xếp lương cao nhất

Hiện nhiều giáo viên đang rất kỳ vọng về nội dung: "Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" tại Dự thảo Luật Nhà giáo.

Giáo viên không muốn

Không muốn mừng hụt

Luật Nhà giáo được đề xuất xây dựng từ năm 2018, đến nay dự thảo đang được công bố rộng rãi và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10.2024.

Dự thảo có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo. Trong đó khẳng định tiền lương của nhà giáo (gồm lương, phụ cấp) được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên Trường Mầm non Nghi Ân (Nghệ An) - cho biết, bản thân rất mong chờ vào chế độ tiền lương mới. Dù làm việc trong môi trường “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” nhưng công việc của một giáo viên mầm non phải chịu áp lực rất cao, mức lương và chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng.

"Giáo viên mầm non là một ngành nghề rất đặc thù - vừa làm cô, vừa làm mẹ, lại có lúc là bạn. Đi làm từ lúc mặt trời ló rạng đến lúc mặt trời xuống núi, có những ngày, thời gian dành cho con nhỏ của mình còn không bằng trẻ ở trên trường. Nhiều lúc tôi rất khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Thế nhưng, lương nhận về lại không đủ trang trải cuộc sống, có lúc khó khăn thật sự" - cô Hoa nói.

Vì vậy, nữ giáo viên rất mong chờ vào đợt cải cách tiền lương từ 1.7.2024 và Luật Nhà giáo có hiệu lực. Cô kỳ vọng lời hứa "giáo viên sống được bằng lương", chủ trương "lương nhà giáo cao nhất" sẽ trở thành hiện thực. Giáo viên sẽ tự tin với lương thực nhận, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần chỉn chu. Từ đó, tăng cao tinh thần làm việc và cống hiến với nghề.

Thực tế, "lương nhà giáo cao nhất" không phải là chủ trương mới, nhiều nhà giáo chia sẻ họ đã nhiều lần "mừng hụt" về chủ trương này. Cô Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi (Nghệ An) kỳ vọng: "Cải cách tiền lương sẽ giúp thầy cô yên tâm công tác với nghề thay vì làm việc này nhưng phải nghĩ đến ba bốn việc khác để có thể nuôi gia đình. Mong rằng lần này, chúng tôi sẽ không mừng hụt như những lần trước".

Giáo viên

Tiền lương mới của giáo viên từ 1.7 sẽ cao hơn tiền lương hiện hưởng. Ảnh: Anh Thư

Đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 5 chính sách được thiết kế trong Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được công bố, gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Với các chính sách trên, Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm đáng chú ý. Đặc biệt là chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo.

Theo đó, đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải đảm bảo không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách.

Nhà giáo công tác ở ngành, lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng một chính sách có mức cao nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo, chính sách thu hút nhà giáo, quy định về quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan