A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại học tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành mới và áp lực dư thừa nguồn nhân lực

Đã có hơn 80 cơ sở đào tạo trên cả nước công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2023. Đáng chú ý, trong đó có nhiều trường tang chỉ tiêu tuyển sinh đại học, mở thêm các ngành học mới để “hút” thí sinh.

Công nghệ, kinh tế số "đua nở"

Ở mùa tuyển sinh 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở thêm bốn ngành, chỉ tiêu tăng từ 3.820 lên 4.280. Bốn ngành mới gồm: Ngành Kinh tế số, Truyền thông và Quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao).

Bốn phương thức tuyển sinh được giữ ổn định nhưng thay đổi tỷ lệ chỉ tiêu. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến dành 55% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp, 15% chỉ tiêu từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Còn lại, trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng và theo quy định của Bộ GD&ĐT. So với năm 2022, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp giảm 10%.

Đại học tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành mới và áp lực dư thừa nguồn nhân lực

Nhiều trường đại học mở thêm ngành học mới (Ảnh minh họa)

Là một trong những trường đại học có tiếng, năm 2023, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

Trường Đại học Ngoại thương sẽ mở hai ngành mới là Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế. Trường dự kiến tuyển 4.100 chỉ tiêu (tăng 50 thí sinh so với năm 2022).

Trường Đại học Thủy lợi dự kiến sẽ mở mới ba ngành là: Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung và Luật Kinh tế với chỉ tiêu dự kiến là 40 sinh viên/ngành.

Theo thông báo của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), năm nay, nhà trường dự kiến tuyển sinh 19 chương trình đào tạo đại học lĩnh vực khoa học công nghệ, với 950 chỉ tiêu, tăng 12,5% so với năm 2022.

Nhà trường sẽ tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do USTH tổ chức; Xét tuyển thẳng theo đề án của trường; Xét tuyển trên kết quả thi tốt nghiệp THPT cho các ngành đào tạo về khoa học - công nghệ.

Ứng viên có điểm bài kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được tham dự vòng phỏng vấn với Hội đồng tuyển sinh của USTH. Thí sinh có thể lựa chọn phỏng vấn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Thí sinh ứng tuyển các chương trình song bằng sẽ phải tham gia thêm một vòng phỏng vấn riêng bằng tiếng Anh. Nhà trường lưu ý, không tuyển sinh chương trình Kỹ thuật Hàng không và các chương trình song bằng thông qua cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Về đối tượng tuyển thẳng, USTH áp dụng chính sách tuyển thẳng theo quy định.

Áp lực dư thừa nguồn nhân lực

Theo Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu bảo đảm điều kiện theo quy định.

Một chuyên gia giáo dục tại Hà Nội cho rằng, việc các trường đại học mở nhiều ngành mới được đánh giá là xu hướng dễ hiểu nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực khi đất nước ngày càng hội nhập và hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0; Đồng thời giúp các trường dễ thu hút học sinh để tuyển sinh tốt hơn.

“Những ngành nghề mới được mở ra từ các trường đại học đều xuất phát từ quá trình nghiên cứu của từng trường với mong muốn nghề nghiệp cụ thể hơn, hấp dẫn hơn, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế công nghệ, kinh tế số; Đặc biệt là các lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật và thương mại điện tử”, chuyên gia này cho hay.

Dù vậy, việc các trường ồ ạt mở ngành mới gây lo ngại về khâu kiểm định chất lượng. Những ngành mới mở với những giới thiệu hấp dẫn, dễ thu hút thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, người học chưa có căn cứ kiểm chứng chất lượng đào tạo những ngành này. Các yếu tố cơ hội việc làm, thu nhập, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động chưa được được đánh giá đầy đủ.

Theo GS. TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, các trường không nên mở ngành đào tạo nếu chất lượng đào tạo không bảo đảm bởi có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch ngành nghề.

“Nếu như mở ra các mã ngành khác chuyên môn truyền thống của mình thì chắc chắn là không thể có sự đầu tư như mong muốn được, cũng không thể mời được các chuyên gia giỏi nhất của ngành muốn đào tạo. Tôi cho rằng, nếu muốn đào tạo thêm về ngành nào thì nên giao cho chính ngành đó làm chứ không phải tự đề xuất ra để làm”, GS. TS Phạm Tất Dong nêu ý kiến.

Một lo lắng khác là việc mở thêm nhiều ngành khiến hệ thống ngành nghề bị trùng lặp; có nhiều ngành mới mở ra thực chất chỉ là dựa trên những ngành cũ hoặc cùng lĩnh vực nhưng mỗi trường đặt tên một kiểu nhằm thu hút thí sinh. Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp nhu cầu của xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của trường. Việc mở ngành phải đáp ứng các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau.

Ngoài ra, việc các trường ồ ạt mở ngành mới cũng dẫn đến nguy cơ có quá nhiều trường đua nhau mở những ngành đang thu hút đông người học, sau một thời gian khiến thị trường nhân lực bị bão hòa.

Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT trong năm 2022 cho thấy, 4/23 ngành, lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất: Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật