Cần cơ chế sớm nhất cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử mới
Ngày 5/7, Bộ Y tế đã tổ chức chương trình hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này.
Thuốc lá mới độc hại không kém thuốc lá điếu truyền thống
Nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường đã giảm đáng kể tại Việt Nam. Những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang trở lên ngày càng công khai và phổ biến trong giới trẻ.
Các bạn trẻ nhầm tưởng rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử sẽ giảm bớt ảnh hưởng tới sức khỏe so với thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) |
Dù thuốc lá điện tử mới ra đời khoảng 10 năm trở lại đây nhưng rất nhiều nghiên cứu cho thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là hô hấp và tim mạch. Vì vậy, việc dùng thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá truyền thống là sai lầm.
Theo thống kê của Bộ Y tế qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
ThS.BS Nguyễn Văn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) phát biểu tại Hội thảo |
Trước tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới đang tăng nhanh gần đây, ThS.BS Nguyễn Văn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) nhấn mạnh, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam.
Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ.
“Các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, thuốc lá mới sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng chống tác hại thuốc lá trong nhưng năm gần đây”, ông Nguyễn Văn Lâm thông tin.
Trước thực tế trên, ông Lâm khuyến nghị, Quốc hội cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài; về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các qui định cấm từ nghị quyết vào trong luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Nguy cơ "trà trộn" ma túy vào thuốc lá điện tử
ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng chia sẻ con số giật mình về tỷ lệ người trưởng thành (15 tuổi trở lên) sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% vào năm 2020.
Đặc biệt, con số này ở nam giới tăng gấp đôi từ 0,4% lên 5,6%. Một con số đáng ngại hơn nữa là tỷ lệ phụ nữ sử dụng thuốc lá điện tử cũng tăng từ 0,1% lên 1%.
Ngoài ra, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại hội thảo |
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá điện tử đang khởi đầu cho trào lưu và xu hướng lạm dụng các hóa chất nhân tạo tổng hợp của con người.
Với vai trò của các chất gây nghiện như nicotin và các chất ma túy, trào lưu lạm dụng và tiếp xúc với các hóa chất không an toàn này sẽ ngày càng liên tục lan rộng và không có điểm dừng. Xu hướng này có nguy cơ gây ra rất nhiều vấn đề về y tế, an ninh và trật tự xã hội.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho hay, trong 2 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy.
Mới đây, cuối tháng 6/2024, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nam sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, tụt huyết áp, tổn thương tim, não. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân sử dụng cho thấy có chứa cần sa tổng hợp. Trường hợp này cho đến nay vẫn đang điều trị tại bệnh viện.
Đáng báo động, theo một nghiên cứu của Trung tâm Chống độc, phát hiện 16/120 mẫu xét nghiệm thuốc lá điện tử có ma tuý chiếm tỉ lệ 13,3 %.
Do đó, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên đề xuất cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam, cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi.
ThS Định Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo |
ThS Định Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Nếu như tác hại của thuốc lá điếu truyền thống là âm thầm thì tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến với sức khoẻ có thể nhìn thấy ngay lập tức.
Tuy nhiên, thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam đang thiếu cơ chế pháp lý quản lý, ngăn chặn thuốc lá mới.
Trong khi đó, Bộ Y tế và Bộ Công an cũng như nhiều bộ, ban ngành khác đều thống nhất Chính phủ cần sớm ban hành Nghị quyết cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Do đó, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất: Quốc hội và Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn, bao gồm: Cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Nếu được Chính phủ đồng ý, Nghị quyết này dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2024.
Việc cấm sử dụng thuốc lá mới cũng góp phần hạn chế sự gia tăng sử dụng các sản phẩm này, cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ.