A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh viện đa khoa Đức Giang lần đầu tiên phẫu thuật cắt phân thùy phổi bằng phương pháp mổ nội soi

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.D (65 tuổi, trú tại Long Biên) trong tình trạng khó thở, nhiều nhịp thở nhanh nông tần số 35-40 chu kỳ/phút kèm đau ngực trái và sốt cao liên tục 39-40 độ C.

Bệnh nhân N.V.D đã được làm các xét nghiệm cần thiết, kết quả chụp X-quang tim phổi và CT scaner ngực đã phát hiện khối áp xe nằm ở trong nhu mô thùy dưới phổi trái kích thước 10x12cm. Bên cạnh đó, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm và viêm phổi trước đó.

Sau hội chẩn của các bác sĩ Khoa Nội truyền nhiễm, Khoa Ngoại tổng hợp và gây mê hồi sức cho thấy đây là một ổ áp xe phổi kích thước lớn có nguy cơ vỡ vào màng phổi và trung thất đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh viện đa khoa Đức Giang lần đầu tiên phẫu thuật cắt phân thùy phổi bằng phương pháp mổ nội soi

Phẫu thuật cho người bệnh

Vì vậy, các bác sĩ đã thống nhất tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân, cuộc phẫu thuật được thực hiện trong thời gian gian hơn 3 tiếng.

BSCKI Nguyễn Văn Lâm, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành mổ nội soi cắt phân thuỳ dưới phổi trái có chứa ổ áp xe, làm sạch màng phổi, khâu phục hồi lại nhu mô phổi; Kiểm tra phổi nở tốt, không xì rò khí. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được điều trị hậu phẫu tích cực.

Hai tuần sau mổ bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, không khó thở, các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường và ra viện sau đó. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện kỹ thuật này, trước đó, bệnh nhân tổn thương thùy phổi chỉ hút dịch, vệ sinh sau đó chuyển tuyến.

BSCKI Nguyễn Văn Lâm người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: "Áp xe phổi là một bệnh lý rất nặng nề, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, sock nhiễm trùng, viêm não màng não… Ổ áp xe vỡ có thể vỡ vào màng phổi, trung thất hoặc vào khí phế quản gây ho máu sét đánh, đe doạ tính mạng người bệnh".

BSCKI Nguyễn Văn Lâm cũng chia sẻ, nguyên nhân của bệnh áp xe phổi là viêm phổi, dị vật phổi… nguy cơ cao hơn ở những bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá, thuốc lào nhiều năm và các bệnh đường hô hấp mạn tính.

"Vì vậy, mọi người cần giữ vệ sinh và điều trị tốt các nhiễm khuẩn ở răng, miệng, mũi và họng để tránh sự viêm nhiễm từ trên lan xuống gây áp xe phổi; giữ ấm cho cơ thể, nhất là vào mùa đông.

Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý nói chung và các bệnh đường hô hấp nói riêng. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi lối sống sinh hoạt theo hướng tích cực, thường xuyên tập thể dục thể thao, tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá và thuốc lào", BSCKI Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan