A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 4: Không thể né tránh giáo dục giới tính cho học sinh trong trường học

Giáo dục giới tính cho học sinh đúng đắn, khoa học, phù hợp với từng cấp học là vô cùng cần thiết để ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra hàng loạt hệ quả đáng tiếc sau này.

Xóa đi sự ngượng ngùng…

Nữ sinh Nguyễn Ngọc Huyền thuộc một trường THCS ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, nội dung giáo dục giới tính cho học sinh có ở Chương XI - Sinh sản thuộc bộ môn Sinh học lớp 8. Chương này có các bài học về cơ quan sinh dục của nam, nữ, thụ thai, các biện pháp tránh thai và bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Chương XI nằm ở cuối học kỳ 2 của lớp 8 cũng không phải nội dung kiểm tra nên Huyền và các bạn thường học cho có. Các nội dung bài học khiến cho nữ sinh và bạn bè luôn cảm thấy ngượng ngùng.

Bài 4: Không thể né tránh giáo dục giới tính cho học sinh ở trường học

PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục trường Đại học Giáo dục trao đổi với học sinh trường THCS Nguyễn Du những kiến thức về giới tính

Không chỉ học sinh ngượng ngùng mà nhiều giáo viên cũng cảm thấy nội dung này khá tế nhị, ngại nhắc đến. Đây là quan niệm khá sai lầm. Theo cô Lê Thị Bích - giáo viên THPT ở Hà Nội, việc giáo dục giới tính cho học sinh là cực kỳ cần thiết trong cuộc sống. Giáo dục giới tính không chỉ đem đến kiến thức cho học sinh mà còn giúp giảm tỉ lệ nạo phá thai, lây nhiễm bệnh bệnh tật qua đường tình dục...

“Giáo dục giới tính chứ không phải giáo dục tình dục. Giáo dục giới tính là một môn khoa học có đầy đủ kiến thức về cơ thể học, tâm lí học, kĩ năng tự bảo vệ… Nếu cứ nghĩ kiến thức giới tính chỉ là tình dục nam nữ, xem việc trang bị kiến thức đó như “vẽ đường cho hươu chạy” là ý nghĩ sai lầm”, cô Bích cho biết.

Còn theo bác sĩ Chu Thanh Hương - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, lứa tuổi vị thành niên nói chung và học sinh phổ thông nói riêng có sức đòi hỏi về kiến thức giới tính rất mạnh (do cơ thể sản sinh nội tiết tố). Nếu lên trường thầy cô né tránh, về đến nhà gia đình cũng ngại chia sẻ, thì học sinh sẽ lựa chọn phim ảnh, internet như là phương tiện giải đáp tò mò. Trên thực tế, không ít em đã có những hành động để lại hậu quả đáng tiếc.

Cũng theo bác sĩ Hương, trước đây, học sinh dậy thì muộn, khoảng 17 tuổi. Hiện nay, các em phát triển về cơ thể sớm, thầy cô nên giáo dục giới tính từ lớp 7 (13 - 14 tuổi). Ngoài giáo trình chuẩn, khoa học, người đứng lớp phải là các chuyên gia có kinh nghiệm. Khi học sinh thắc mắc, thầy cô không được né tránh, phải giải thích cụ thể rõ ràng. Đặc biệt, giáo dục giới tính phải kết hợp giữa nhà trường và gia đình mới mong mang lại hiệu quả cao nhất.

Giáo dục thực chất, có chiều sâu

Hiện nay, nội dung giáo dục giới tính đã được nhiều trường học ở Hà Nội triển khai một cách thường xuyên, bài bản. Ngoài lồng ghép trong nội dung các tiết học Sinh học, Khoa học, giáo dục giới tính còn được đưa vào tiết học ngoại khóa tại nhà trường.

Điều đặc biệt, nhiều trường học từ cấp mầm non đã bắt đầu giáo dục học sinh những kiến thức cơ bản ban đầu để nhận thức được sự khác biệt về giới tính nam - nữ, vùng riêng tư, vùng nhạy cảm của bản thân và quy tắc 5 ngón tay để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ xâm hại tình dục.

Bài 4: Không thể né tránh giáo dục giới tính cho học sinh trong trường học

Các em học sinh trường THCS Thành Công tham gia chuyên đề giáo dục giới tính

Còn ở cấp học trung học cơ sở, các nhà trường thường xuyên tổ chức tiết học ngoại khóa cho học sinh. Mới đây nhất, ngày 28/2, trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức tiết chuyên đề giáo dục giới tính với nội dung “Thế là mình đã lớn”.

Tại buổi giáo dục chuyên đề, các em đã được PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trao đổi, chia sẻ với các em học sinh những thông tin liên quan đến tâm sinh lý vị thành niên vô cùng cần hữu ích và cần thiết.

Ở trường THCS Thành Công, THCS Ba Đình (quận Ba Đình), nội dung giáo dục giới tính cũng được tổ chức thành chuyên đề với chia sẻ của cán bộ Trung tâm Y tế quận Ba Đình. Trong thời lượng một tiết học, cô Nguyễn Thanh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận đã lựa chọn một số vấn đề cốt lõi, phù hợp với nhận thức, hiểu biết của học sinh để từ đó tuyên truyền, kêu gọi học sinh biết tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân khi bước vào tuổi dậy thì, không quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên.

Với lối dẫn dắt tự nhiên, gần gũi mà lôi cuốn, cô Hiếu đã gợi mở cho học sinh bằng những câu hỏi thú vị xoay quanh những vấn đề xảy ra bên trong cơ thể, tâm lí của học sinh khi đến tuổi dậy thì như: “Con đã dậy thì chưa? Dấu hiệu nào cho con biết mình đã dậy thì? Tuổi dậy thì của con đến như vậy là sớm hay muộn? Việc dậy thì sớm hay muộn ấy nguyên nhân là do đâu? Có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con?”...

Những câu hỏi đó đã gợi đúng những tâm tư của học sinh khiến các con cởi mở, dễ dàng sẻ chia. Từ đó, các con biết nhận diện dậy thì sớm, cũng như hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm và những hệ lụy của nó. Mục đích của việc tuyên truyền giáo dục giới tính là giúp học sinh biết cách bảo vệ sức khỏe sinh sản cho bản thân, giúp giảm thiểu những hệ lụy của dậy thì sớm và quan hệ tình dục sớm đến sức khỏe sinh sản của bản thân.

Chia sẻ với thầy cô và các bạn sau buổi tuyên truyền, bạn Nguyễn Tuấn Minh học sinh lớp 9 trường THCS Thành Công cho biết: “Thông qua buổi sinh hoạt hôm nay, em và các bạn đã có thêm những nhận thức đúng đắn về tâm lí lứa tuổi, từ đó biết điều chỉnh những hành vi của bản thân, biết giữ khoảng cách và tôn trọng bạn cùng giới, khác giới. Chúng em muốn cùng giúp nhau vượt qua tuổi dậy thì một cách an toàn, khỏe mạnh”.

Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, việc tổ chức sinh hoạt ngoại khóa bằng các tiết chuyên đề bổ ích, hấp dẫn là việc làm thiết thực, cụ thể để đưa các hoạt động của nhà trường đạt hiệu quả cao, thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh.

(Còn nữa)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan