Xử lý dứt điểm nạn xả rác nơi công cộng vì một Thủ đô xanh, sạch, đẹp
Vấn đề xả rác nơi công cộng mặc dù đã được các ban, ngành chức năng của TP Hà Nội quan tâm trong những năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Một trong những nguyên nhân đó là chế tài xử lý vi phạm chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Vì thế, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, đã đến lúc cần “mạnh tay” xử lý dứt điểm tình trạng này sớm ngày nào tốt ngày đó… Trong đó, “phạt nguội” đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra trong dự thảo Nghị định mới đang mang lại hy vọng về một giải pháp mang tính đột phá nhằm chấm dứt “căn bệnh” khó chữa trong nhiều năm qua.
Bài 1: Lại nhắc chuyện xả rác bừa bãi…
Tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng diễn ra khắp mọi nơi, từ những con phố lớn đến đường làng ngõ xóm. Đây là câu chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Chưa cũ là bởi hết ngày này đến ngày khác, hết năm này đến năm khác tình trạng này vẫn xảy ra, đến mức nhiều người cho rằng nó đã trở thành “căn bệnh nan y”, đến nỗi người ta đi qua đống rác, nhìn người vứt rác dưới tấm biển cấm và xem đó là chuyện bình thường.
Đốt cả biển cấm để vứt rác
Khoảng 7h45 phút sáng, khi đi qua cây cầu Yên Ngưu, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, phóng viên rất bất ngờ khi thấy người phụ nữ ngồi trên xe máy “vô tư” ném bịch rác xuống cầu, rồi cứ thế lao vút đi.
Chia sẻ điều này với chị Luận - người có 17 năm làm công tác vệ sinh môi trường thuộc Urenco Thanh Trì cho biết, chị chứng kiến cảnh này mỗi ngày, lâu dần thành quen. Người dân ở đây, cứ mỗi lần đưa con đi học qua hoặc tiện trên đường đi làm lại ném “toẹt” túi rác xuống.
Chị Luận - Công nhân vệ sinh môi trường thuộc Urenco Thanh Trì hàng ngày đều phải dọn rác ở nơi vốn dĩ "không phải là nơi đổ rác" |
“Ở đây không phải là bãi rác đâu nhưng người dân đi qua cứ tiện là vứt rác ra đây. Rồi người này theo người kia. Thế rồi một phần cây cầu đẹp thành bãi rác. Có biển cấm đấy nhưng người dân còn đốt cả biển rồi. Cầu này ít khi không có rác, tôi dọn sạch thế này nhưng chỉ khoảng tiếng nữa thôi lại đầy rác. Công nhân vệ sinh như tôi dọn không xuể đâu”, chị Luận không giấu được nỗi thất vọng khi chia sẻ.
Cách đó khoảng 2km, trên đường vào chợ Tựu Liệt, đối diện số nhà 277 Tựu Liệt, huyện Thanh Trì tình trạng xả rác bừa bãi cũng nhức nhối không kém. Quan sát thấy, dưới chân tấm biển "Cấm đổ rác và phế thải vật liệu xây dựng" là những túi to, túi nhỏ toàn là rác.
Bãi rác tồn tại ngay dưới biển cấm đổ rác tại địa điểm đối diện số 277 đường Tựu Liệt, trên đường vào chợ Tựu Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội |
Chị Trần Thị Hồng, người dân có cửa hàng tại đây cho biết, bãi rác này tồn tại bao nhiêu năm rồi, chính quyền cũng nỗ lực nhiều nhưng không có thay đổi gì cho đến thời điểm này.
“Ngày nào cũng như vậy. Cứ sáng khi chúng tôi dọn hàng, nhìn sang bên đã thấy một đống rác to đùng. Đợt rồi, chúng tôi đã phải mang những thùng xốp ra đây để trồng cây và hoa, tránh người dân đổ rác nhưng tình trạng vẫn không thay đổi. Tấm biển cấm to như thế nhưng tôi không hiểu nổi vì sao họ cứ vứt rác ra đấy. Tôi bán hàng gần đây, những ngày nắng nóng mùi hôi thối kinh khủng”, chị Hồng lắc đầu ngán ngẩm.
Thản nhiên vứt rác ở mọi nơi, miễn là tiện
Không chỉ ở ngoại thành, ghi nhận thực tế của phóng viên tại nhiều tuyến phố trung tâm, các tuyến phố cổ của Hà Nội cũng cho thấy tình trạng người dân, các cơ sở kinh doanh bán hàng... vứt rác tràn lan tại các gốc cây, cột điện, đèn cao áp, ven các tuyến đường vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt tại những địa điểm vui chơi công cộng, các khu du lịch hay sau mỗi kỳ nghỉ lễ hoặc sự kiện nào đó, rác lại ngập các lối phố.
Nhắc đến rác lại nhớ đến cảnh tượng hãi hùng về hình ảnh rác thải, túi nilon tràn ngập các tuyến phố đi quanh hồ Gươm sau đêm giao thừa Tết Dương lịch năm 2021. Đại diện Urenco Hà Nội khi đó cho biết, vào những dịp lễ Tết, số lượng công nhân thu dọn rác tăng lên đến 100 người, số thời gian làm không phải là 5 ca/ngày đêm mà thành 8 ca/ngày đêm nhưng hồ Gươm vẫn là bãi chiến trường của đủ thứ túi nilon, vỏ chai nhựa, giấy vụn của những người thiếu ý thức. Hay vào những ngày thường, nếu đi bộ ven hồ ta vẫn có thể thấy những que kem đang ăn dở, những mẩu thuốc lá hay những vỏ kẹo được vứt vung vãi dưới lòng đường.
Hình ảnh rác thải, túi nilon tràn ngập các tuyến phố đi quanh hồ Gươm sau đêm giao thừa Tết Dương lịch năm 2021 |
Rồi trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, những thùng rác công cộng với thông điệp “Hãy cho tôi xin rác” dường như không được đếm xỉa. Khăn ướt lau xong vứt xuống đất, chai nước uống xong vứt, vỏ hoa quả cũng vậy… Thậm chí khi đi ăn nhà hàng, mặc dù chủ nhà hàng đã để sẵn một thùng rác nhỏ dưới bàn ăn của mỗi người nhưng khi dùng xong giấy ăn hoặc tăm tre, họ vẫn thản nhiên vứt xuống nền nhà.
Cũng không ai lạ lẫm việc người ngồi trên xe ô tô, nhất là xe buýt, xe du lịch vứt rác ra đường qua cửa sổ hay người ngồi trên xe gắn máy vứt giấy gói thức ăn, ném vỏ hộp sữa vừa uống xong ra đường mà không một chút mảy may suy nghĩ…
Chị Nguyễn Thị Lưu Ly, sống tại phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi chứng kiến nhiều lắm, có hôm đưa con đi học, ngay trước cổng trường, rất nhiều học sinh thậm chí cả phụ huynh tranh thủ cho con ăn một thứ gì đó xong vứt toẹt xuống đường, đứa trẻ học theo mẹ, uống hộp sữa xong cũng không ngần ngại thả ngay xuống. Có lần tôi cũng nhắc nhưng thái độ của cả bố mẹ và các con đều không vui, còn lầm bầm, vẽ chuyện”.
Cuộc sống hiện đại, lễ hội nhiều, chung cư, nhà trọ, khu vui chơi mọc lên như “nấm” nhưng ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường lại không được nâng cao nên nhìn đâu cũng thấy rác. Bên cạnh đó, không ít người, kể cả người trẻ, xuất hiện tâm lý “sạch nhà, bẩn ngõ”. Họ chỉ biết chăm sóc cho nhà mình thật sạch sẽ, còn rác và những thứ không cần thiết thì đem vứt ra đường không cần quan tâm.
Chị Hà số ở phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Một số người dân thường để rác trên vỉa hè, những bịch ni lon rác lăn ra đường rồi bị xe cán nát, bốc mùi hôi thối. Không biết những người xả rác như thế, họ có bao giờ nghĩ rằng mình thực hiện hành vi đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây tắc cống thoát nước thải, đồng thời cũng là một trong những tác nhân gây ngập úng hay không?”.
Có một câu chuyện xả rác được chia sẻ trong các hội, nhóm về môi trường trên mạng xã hội. Đó là chuyện kể của một nhân viên bán hàng cho công ty bánh kẹo Pefetty. Trong buổi giới thiệu sản phẩm mới tại khách sạn, các nhân viên bán hàng được cho thử sản phẩm singum happydent while và chỉ sau mươi phút thử sản phẩm toàn bộ thảm đỏ căn phòng họp của khách sạn đã đầy những bã singum. Khi kết thúc buổi họp, chị vô cùng xấu hổ khi ông Giám đốc người Ý cúi xuống nhặt từng bã kẹo singum để cho vào sọt rác.
Trong quá trình phỏng vấn ý kiến của người dân và chuyên gia về vấn đề xả rác nơi công cộng, người viết đã được nghe những câu nói cảm thán như: Chỗ nào chẳng có rác, phản ánh làm gì? Viết nhiều rồi, nói nhiều rồi, có thay đổi được gì đâu mà viết?
Thế mới biết, vấn đề rác thải nơi công cộng đã được một bộ phận trong xã hội chấp nhận là chuyện bình thường. Thật đáng lo!
Vẫn biết rằng, vấn đề này đã cũ, rất cũ, cũ đến nỗi người ta gọi là vấn đề “nan giải” nhưng nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, liên đới đến sức khỏe con người và làm xấu bộ mặt đô thị thành phố. Vì thế, chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết thì chúng ta vẫn phải nhắc lại, để thúc giục cộng đồng đi tìm giải pháp, chứ không được thờ ơ, vô cảm, càng không thể đợi đến khi ai nấy đi qua đống rác, nhìn người vứt rác dưới tấm biển cấm và xem đó là chuyện bình thường được.
(còn nữa)