A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sông ngòi ô nhiễm trầm trọng, tìm giải pháp để hồi sinh các dòng sông chết

Trước thực trạng ô nhiễm của hệ thống sông ngòi hiện nay, Báo Tiền Phong đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” .

Sáng 10.7, Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức Toạ đàm Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết để tìm ra các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả, thực tiễn khi triển khai chủ trương hồi sinh các dòng sông.

Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước; GS.TS Trần Đình Hoà - Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam; TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; chuyên gia Nguyễn Trường Duy - Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam; ông Trần Đăng Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên...

Phát biểu đề dẫn toạ đàm, ông Phùng Công Sưởng -Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - cho biết, quá trình đô thị hóa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng sông, khiến cho các dòng sông tại Thủ đô suy thoái trầm trọng. Hiện nay, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Kim Ngưu suy thoái, bốc mùi, không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, mà còn liên quan đến vấn đề sức khỏe.

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cũng nhấn mạnh: "Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, giải pháp thay thế nguồn nước, thau rửa sông Tô Lịch và các dòng sông bị ô nhiễm. Hà Nội cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để xử lý nguồn nước cho các dòng sông như: Dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá... góp phần cải thiện môi trường các dòng sông.

Các giải pháp này ít nhiều đã có kết quả nhưng về tổng thể vẫn cần những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tính liên kết cao hơn để kiểm soát được dòng nước".

d
Ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - cho rằng, quá trình đô thị hóa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng sông. Ảnh: Nguyễn Linh

Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước - cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 3.450 con sông, phân bố trên ba lưu vực sông lớn và các khu vực sông ven biển.

Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều dòng sông ở nước ta đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là tại khu vực trung và hạ lưu - nơi có mật độ dân cư đông và nhiều hoạt động sản xuất, đô thị.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu cho rằng, tình trạng ô nhiễm sông hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: nước thải sinh hoạt đô thị lên tới hơn 9 triệu m³/ngày nhưng mới xử lý được khoảng 17%; nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ xử lý phân tán, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao; việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thiếu kiểm soát gây tồn dư hóa chất ra môi trường nước; ý thức người dân còn hạn chế khi đổ chất thải rắn bừa bãi vào hệ thống sông, hồ; cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu như mùa khô kéo dài, mưa lớn gây ngập úng khiến ô nhiễm tích tụ và gia tăng.

Các khách mời trao đổi trong Tọa đàm “Hồi sinh những dòng sông chết“. Ảnh: Nguyễn Linh
Các khách mời trao đổi trong Tọa đàm “Hồi sinh những dòng sông chết“. Ảnh: Nguyễn Linh

Trong phiên thảo luận, trao đổi về giải pháp hồi sinh các dòng sông chết GS.TS Trần Đình Hoà - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - cho rằng, để giải quyết vấn đề về ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt không phải của riêng địa phương nào. Các địa phương phải bắt tay hợp tác giải quyết, không chỉ tại các địa phương có dòng sông chảy qua mà tất cả các địa phương liên quan cần liên kết để có giải pháp tổng thể.

"Việc liên kết vùng không chỉ riêng về vấn đề thuỷ lợi, ứng phó thiên tai mà phải quyết liệt xử lý nước thải liên quan tới cả hệ thống dòng sông”, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật