Nghịch lý tại làng nghề ô nhiễm ở Nam Định
Nam Định - Cả làng nghề Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực) chịu cảnh ô nhiễm nhưng trạm xử lý nước thải lại đắp chiếu.
Kênh, mương ở làng nghề Bình Yên bị "bức tử" nhưng trạm xử lý nước thải lại "đắp chiếu". Ảnh: Hà Vi
Ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng
Làng nghề Bình Yên (ở xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời, chuyên tái chế, cô đúc nhôm.
Theo người dân ở đây, hoạt động tái chế, cô đúc nhôm không chỉ làm ô nhiễm không khí mà còn "bức tử" hệ thống kênh, mương trên địa bàn.
Hệ thống kênh, mương làng nghề Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Hà Vi
Ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại khu vực thôn Bình Yên, bằng mắt thường có thể thấy những đoạn kênh, mương đặc quánh, chuyển màu đen, xanh, váng nổi đầy trên mặt và bốc mùi hôi thối. Bầu không khí quanh làng ngột ngạt bởi khói ống xả và bụi xỉ từ lò đốt.
Làng nghề này hiện có gần 300/600 hộ dân sản xuất, nguyên liệu tái chế là vỏ lon bia và nhôm phế liệu. Mỗi ngày, làng nghề Bình Yên thải ra môi trường khoảng 500 - 700m3 nước thải có lẫn hóa chất, hơn 3 tấn xỉ than (chất rắn).
Trạm xử lý nước thải đắp chiếu
Trước tình trạng ô nhiễm ở làng nghề Bình Yên, năm 2014, dự án trạm xử lý nước thải làng nghề này được xây dựng hoàn thành. Dự án có tổng kinh phí gần 90 tỉ đồng, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư.
Trạm xử lý nước thải làng nghề Bình Yên không hoạt động suốt nhiều năm. Ảnh: Hà Vi
"Thời điểm năm 2014, trạm xử lý nước thải xây dựng xong, thế nhưng chỉ vận hành thử nghiệm và chưa đi vào hoạt động chính thức. Sau đó, nhiều năm trôi qua, chúng tôi cũng không thấy khu vực này hoạt động; đến năm 2019 đã bàn giao cho xã Nam Thanh chúng tôi quản lý, chứ không có vận hành", ông Đào Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh thông tin.
Năm 2021, để khắc phục những bất cập của trạm xử lý nước thải trên, UBND huyện Nam Trực đã xây dựng hồ lắng phía sau nhằm thu gom toàn bộ nước thải vào hồ.
Mặc dù, đã được xây dựng thêm hạng mục nhưng đến nay, trạm xử lý nước thải làng nghề Bình Yên vẫn trong tình trạng "đắp chiếu". Máy móc, thiết bị đã bị hỏng hóc, hoen gỉ.
Máy móc thiết bị hỏng hóc, hoen gỉ. Ảnh: Hà Vi
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho biết thêm, hệ thống dẫn nước thải từ các hộ gia đình sản xuất về khu vực trạm bất hợp lý nên trạm xử lý rất khó đi vào vận hành.
Để giảm thiểu ô nhiễm, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức nạo vét hệ thống kênh, mương nhưng cũng chỉ là giải pháp khắc phục ban đầu. Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay đã tổ chức thu gom chất thải rắn (bụi xỉ) từ các hộ gia đình đến điểm tập trung để vận chuyển đi Bắc Ninh, xử lý bằng công nghệ cao. Nguồn kinh phí xử lý chất thải rắn do các hộ dân chi trả, với mức 300.000 đồng/tấn phế liệu. Địa phương mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, sớm khắc phục để trạm xử lý nước thải được đi vào hoạt động.