A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần nhiều cơ chế hỗ trợ xe xanh

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng và phát triển của thị trường xe điện trên thế giới, cũng như Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu cho cuộc sống xanh, giao thông xanh. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần có thêm cơ chế hỗ trợ mở rộng mặt bằng trạm sạc cũng như phát triển năng lượng tái tạo.

Cần nhiều cơ chế hỗ trợ xe xanh

Hệ thống trạm sạc xe điện tại một khu đô thị ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Lan

Trạm sạc xe điện ngày càng phát triển

Ba năm trước, anh Tuấn Anh dọn về sống tại một khu đô thị tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội). Thời điểm đó, tại khu đô thị này, hầu như không có trạm sạc xe điện nào, kể cả dành cho xe máy điện.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, những trạm sạc ôtô điện mọc lên dọc tuyến đường trong khu đô thị. Ở mỗi lốt đỗ xe, chủ đầu tư đều lắp các trạm sạc dành cho cả xe ôtô và xe máy điện. Chủ đầu tư cũng dành những lốt đỗ xe ưu tiên cho xe điện về sạc pin.

Cách đó không xa, trung tâm thương mại của khu đô thị này cũng bố trí nhiều trạm sạc cho ôtô điện. Những trạm sạc được thiết kế hiện đại, có mái che, đặt tại các vị trí trung tâm, gần lối đi lại.

“Đến bây giờ thì xe máy điện, ôtô điện đã dần quen thuộc với người dân VN. Không chỉ xe cá nhân mà những dịch vụ công cộng như xe buýt điện, taxi điện, gọi xe máy điện cũng nhanh chóng phủ khắp đường phố các đô thị lớn” - Tuấn Anh cho hay.

Theo khảo sát mới nhất của một diễn đàn uy tín về ôtô, xe máy, có tới 99,4% người tiêu dùng trên 25 tuổi đã từng nghe tới ôtô điện, trong đó 82% người quan tâm và từng tìm hiểu về phương tiện xanh này và hơn 46% người có nhu cầu mua ôtô lựa chọn mua ôtô điện trong 12 tháng tới.

Song song với sự dịch chuyển thói quen di chuyển, theo các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050, việc tiến tới xanh hóa hạ tầng, nguồn sản xuất điện là cần thiết.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban Truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) - đề xuất xây dựng các trạm sử dụng điện mặt trời để sạc pin cho xe điện, đảm bảo nguồn điện gốc sử dụng điện sạch 100%. Các trạm này có thể sử dụng hạ tầng hiện hữu ở các bến xe, nhà chờ, các bãi giữ xe của đơn vị công ích.

“Việc chuyển sang giao thông xanh, sạch là cả câu chuyện lớn, phải có sự đánh giá rất tổng thể, đánh giá từ việc sản xuất, sử dụng nhiên liệu đầu vào đến quá trình sử dụng và cả sau quá trình sử dụng sau khi chiếc xe đó hết vòng đời sử dụng” - ông Quyết nói.

Cần nhiều ưu đãi cho xe xanh

Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia năng lượng độc lập, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công Thương) - cho biết, trong vòng 5-10 năm tới, hệ thống điện Việt Nam sẽ huy động tối đa nguồn năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời).

Ông lý giải, trước đây hệ thống điện ưu tiên sử dụng nhiệt điện than là bởi nhiệt điện than có giá rẻ. Theo đó, một kWh điện hoá thạch chỉ khoảng 7 cent (1.620 đồng), còn những loại năng lượng tái tạo như gió, mặt trời thì giá dao động từ 9-10 cent (2.083 - 2.314 đồng/kWh).

Song, mọi thứ đã thay đổi khi Việt Nam phải nhập than với giá cao (do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga - Ukraina) cho nên việc vận chuyển nguyên nhiên liệu rất khó khăn, giá tăng gấp 3-4 lần so với những năm trước đây, ngành điện lỗ nặng.

"Chiến lược sử dụng nhiệt điện than trong hệ thống điện là không đúng hướng; phải tăng nguồn điện năng lượng tái tạo. Việc tăng năng lượng tái tạo cũng góp phần giúp xe điện sạch hơn khi sử dụng nguồn năng lượng đầu vào sạch, thân thiện với môi trường" - ông nói.

Ông Phan Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng ALENA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Năng lượng mới TPHCM cho biết, hiện có những công ty đủ trình độ công nghệ để sản xuất các loại pin xe điện đạt chuẩn, sau đó thực hiện quy trình thu hồi, tái sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt của thế giới.

Nếu được hỗ trợ cơ chế cung cấp mặt bằng để phát triển các trạm đổi pin, ông Phan Ngọc Ánh tin rằng, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư. Mặt bằng này có diện tích vừa và nhỏ như máy bán nước tự động. Đồng thời, các cấp thẩm quyền cần ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất cho các doanh nghiệp tư vấn phát triển xe điện và các trạm lắp đặt điện mặt trời.

“Việc mở rộng hệ thống sạc điện sạch hoặc đổi pin xe điện sẽ giúp người dân tiếp cận hiệu quả với hạ tầng xe điện, đồng thời giúp tăng sử dụng năng lượng tái tạo, giúp thành phố chuyển đổi năng lượng xanh đúng nghĩa hơn, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” - ông nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan