Cà Mau: Hiệu quả kép từ mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy quà”
“Đổi rác thải tái chế lấy cây xanh” là một trong những hoạt động chằm giảm thiểu rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống mà tỉnh Cà Mau phát động. Chương trình đã mang lại hiệu quả kép trong công cuộc bảo vệ môi trường.
Chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy cây xanh” là hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường từ đó giúp hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Chương trình đã mang lại hiệu quả kép, không chỉ làm giảm thiểu việc vứt rác thải nhựa ra môi trường mà còn phát động phong trào trồng cây, lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.
“Ðổi rác thải nhựa lấy cây trồng” được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Bình duy trì 2 năm qua |
“Ðổi rác thải nhựa lấy cây trồng” được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau duy trì 2 năm qua. Mới đây, chương trình được diễn ra tại xã Tân Lộc, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng Hành động vì môi trường năm 2023.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 nhóm chính: Chất thải thực phẩm và hữu cơ hay còn gọi là rác dễ phân hủy; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong thời gian qua, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Thới Bình được các cấp, ngành và toàn dân chung tay thực hiện đem lại những kết quả đáng ghi nhận.
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, cơ sở hạ tầng xử lý rác thải được quan tâm đầu tư, mạng lưới thu gom rác thải được mở rộng, công tác xã hội hóa trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải có chuyển biến tích cực.
Người dân được truyền thông hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt |
Tuy nhiên, thói quen phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn giúp tái sử dụng và giảm thiểu khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đến nơi xử lý tập trung vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Có thể thấy, đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa giúp từng bước thay đổi hành vi, thói quen phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn của người dân.
Vỏ chai nhựa được người dân phân loại tại nhà rồi mang đổi lấy cây giống, với các loại như: Mãng cầu gai, bưởi da xanh. Cứ 1,5-2kg rác thải nhựa sẽ được quy đổi thành 1 cây giống tùy chọn. Tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng ai cũng háo hức khi tham gia hoạt động này, bởi nó góp phần tạo động lực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người.
Chương trình đã mang lại hiệu quả kép, không chỉ làm giảm thiểu việc vứt rác thải nhựa ra môi trường mà còn phát động phong trào trồng cây, lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng |
Chỉ trong thời gian rất ngắn, hoạt động “Đổi rác thải tái chế lấy cây xanh” đã thu hút được rất nhiều người dân tới tham gia, ban tổ chức thu về hơn 500kg rác thải nhựa, tương ứng với hơn 1 ngàn cây giống được quy đổi.
Tại đây, người dân còn được truyền thông hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt, được tặng các sản phẩm thân thiện với môi trường và trang bị dụng cụ làm vệ sinh môi trường, tham gia trồng cây xanh tạo mỹ quan...
Thời gian tới, huyện Thới Bình sẽ nâng tần suất chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho người dân hành động vì môi trường sống xanh - sạch - đẹp.