Thống nhất trình dự án Vành đai 4 TP.HCM vào cuối năm 2023
Chiều nay (12/1), UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị dự án đầu tư đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 TP.HCM. Tham dự có đại diện các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, các chuyên gia nhà khoa học.
Các địa phương thống nhất dự kiến trình dự án Vành đai 4 vào cuối năm 2023. (Ảnh: L.V)
Tại Hội nghị, các địa phương và chuyên gia cũng trao đổi, thống nhất cơ chế về vốn cho dự án có sự tham gia của Trung ương, địa phương và nhà đầu tư. Các địa phương cũng thống nhất với kế hoạch triển khai Vành đai 4 do UBND TP.HCM đề xuất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu. (Ảnh: H.K)
Với dự án Vành đai 3, các địa phương đã làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin, áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc biệt được Quốc hội và Chính phủ cho phép, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án. Hiện các địa phương cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng, phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, với Dự án Vành đai 4 TP.HCM, TP sẽ đăng kí làm việc với Bộ Giao thông vận tải ngay trước Tết Nguyên đán, thống nhất hình thức và có thể đến kỳ họp cuối năm 2023 phê duyệt chủ trương đầu tư: "Nếu như cuối năm 2023 chúng ta phê duyệt chủ trương thì đến tháng 6/2024 phê duyệt dự án và đến cuối năm 2024 mới duyệt thiết kế kỹ thuật. Như vậy nếu chúng ta phấn đấu khởi công Vành đai 4 dịp 30/4/2025 cũng là thời gian ý nghĩa và đủ để chúng ta chuẩn bị".
Với dự án Vành đai 3, ông Phan Văn Mãi đánh giá, hiện nay tất cả đang tập trung hoàn thiện, phê duyệt dự án, hoàn thiệt thủ tục thiết kế kỹ thuật để phê duyệt vừa đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng và cần phải làm khẩn trương, kỹ lưỡng, trong sáng, đảm bảo tiến độ chung.
Ông Phan Văn Mãi một lần nữa khẳng định cần phải phấn đấu công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư của dự án Vành đai 3 phải là kiểu mẫu. Với vấn đề vật liệu, cần thống nhất lập một nhóm do Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM làm nhóm trưởng để rà soát đánh giá bởi hiện nay, các địa phương mới nắm số lượng mỏ vật liệu xây dựng mà chưa biết cụ thể trữ lượng thực tế.
Vành đai 4 TP.HCM - vòng tròn xanh ngoài cùng (Ảnh: TCIP)
Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cho rằng cần phải có một công cụ hiệu quả để quản lý dự án, áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong một số phạm vi và các tỉnh cũng ủng hộ. Các địa phương cần xác định tiến độ, cơ bản hoàn thành hai tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 trước năm 2030./.