A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thể hiện rõ hơn các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Sáng 17/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thể hiện rõ hơn cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị

Tạo bứt phá cho Thủ đô bằng những cơ chế đặc thù

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều; Tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012.

Nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Các nội dung này được cụ thể hóa tại các điều từ chương II đến chương V.

Góp ý về hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô. Đồng thời, các đại biểu nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách, tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục của nội đô…

Thể hiện rõ hơn cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật góp ý vào dự thảo

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật đánh giá: Tổng thể Luật Thủ đô (sửa đổi) có bố cục, kết cấu hợp lý, logic. Luật đã tăng thêm 2 chương và 32 điều. Trong đó, có nhiều điều luật quan trọng về tổ chức bộ máy, nhân sự, có cơ chế đặc thù thu hút nhân tài và những đặc thù về nguồn tài chính, về các chính sách hỗ trợ đối với các lĩnh vực quản lý đô thị, xây dựng và nhà ở, phát triển nông nghiệp nông thôn… khá toàn diện.

Nhấn mạnh, chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực là một chính sách đúng đắn, cần thiết mà Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả, ông Thảo đề nghị, bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo; Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài; Tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi.

Đề xuất cơ chế riêng về bổ nhiệm cán bộ, trọng dụng nhân tài

Góp ý tại hội nghị, PGS. TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế đề nghị dự luật cần bổ sung cho Hà Nội cơ chế riêng về bổ nhiệm, cho thôi chức đối với cán bộ chủ chốt là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội.

Theo bà An, cơ chế bổ nhiệm này cần có sự đột phá, quy trình bổ nhiệm phải nhanh. “Kể cả người không nằm trong quy hoạch nhưng xét thấy có tài năng thì được cho lên đảm nhận trọng trách lãnh đạo đơn vị chứ không cần phải đợi quy trình”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tương tự, về cơ chế cho thôi chức cán bộ, PGS.TS Bùi Thị An cũng đề nghị cho Hà Nội được chủ động xử lý đối với cán bộ né tránh, ngại làm, không muốn làm, không vì dân… mà không cần đợi quy trình xử lý như hiện hành.

Thể hiện rõ hơn cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

PGS.TS Bùi Thị An góp ý vào dự thảo

Ngoài ra, PGS TS Bùi Thị An cho rằng, các điều luật tuy toàn diện nhưng thiếu ràng buộc về mặt quan hệ khăng khít với nhau giữa các lĩnh vực, như sự mâu thuẫn giữa dân số cơ học và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở, giao thông, môi trường…) nhưng chưa có cơ chế đặc thù, nên chưa giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc hiện nay.

Chẳng hạn về giáo dục Thủ đô, PGS. TS Bùi Thị An kiến nghị nên có có một cơ chế, chính sách vượt trội hơn như chính sách hỗ trợ để tất cả các em trong mọi hoàn cảnh đều có thể tiếp cận giáo dục như hiến định; Tạo nhiều cơ sở vật chất để trẻ em không may mắn đều được chăm sóc, nuôi dưỡng.

Hay về phát triển nhà ở, cần tuân thủ quy hoạch Thủ đô và trong các quận lõi của nội thành thì không được phép xây thêm chung cư cao tầng; giành một quỹ để xây nhà ở xã hội cho thuê, bán, trả góp với những người làm công ăn lương, đặc biệt là cán bộ trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo nêu quan điểm: Luật Thủ đô (sửa đổi) cần chú trọng đến yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội”, “nguồn lực tài chính ngân sách” nhưng trong dự thảo Luật chỉ là ghi một bộ phận của nguồn lực phát triển.

Ông Thảo nhấn mạnh, nguồn lực đó là ưu thế của Thủ đô, hơn mọi địa phương khác và cần được phát huy từ Luật Thủ đô (sửa đổi). Đó là, nguồn nhân lực có chất lượng cao là những người lao động thuộc giai cấp công nhân, nông dân, tư sản và đặc biệt là giai tầng trí thức, sống và làm việc tại Thủ đô. Đây thật sự là nguồn nhân lực lớn lao, quý giá cần được Luật Thủ đô (sửa đổi) quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng, phát triển lĩnh vực phúc lợi xã hội của Hà Nội...

Thể hiện rõ hơn cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường tiếp thu các ý kiến đại biểu

Quan tâm tới 2 vấn đề trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật đề nghị cần sửa lại một số điều, khoản để việc bảo vệ và phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Về phát triển giáo dục và đào tạo, ông Vũ Thành Vĩnh đề nghị viết lại khoản 1, Điều 24: “Xây dựng hệ thống giáo dục Thủ đô là hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ mục tiêu học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng và khả năng sáng tạo của mỗi người học, tạo lập thế hệ học sinh Thủ đô giàu khát vọng, có phẩm chất, năng lực, trí tuệ, kỹ năng hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, xã hội hoá. Giáo dục Thủ đô phải là trung tâm lớn tiêu biểu của cả nước về đào tạo chất lượng cao, thích ứng quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế”.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến khác cũng đề nghị Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách, tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế; Cho Hà Nội cơ chế để tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Mặt trận sẽ tiếp thu đầy đủ và tiếp tục theo dõi sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và Nhân dân để gửi ban soạn thảo...


Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn:https://tuoitrethudo.com.vn/the-hien-ro-hon-cac-co-che-dac-thu-trong-luat-thu-do-sua-doi-229309.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan