Sự thật gây sốc về những siêu đập như đập Tam Hiệp
Nghiên cứu mới chỉ ra tác động không ngờ của hàng nghìn siêu đập khổng lồ trên thế giới, tiêu biểu như đập Tam Hiệp ở Trung Quốc.
Đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Một nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters mới công bố đã hé lộ một sự thật gây sốc: Hàng nghìn con đập khổng lồ mà con người xây dựng suốt gần 200 năm qua đang làm dịch chuyển cực của Trái đất.
Nghiên cứu cho hay, việc tích trữ khối lượng nước khổng lồ sau các đập đã khiến Trái đất “trôi cực” - một hiện tượng khoa học gọi là trôi cực thực sự (true polar wander). Cực bắc của Trái đất đã dịch chuyển tổng cộng 1,1m từ năm 1835 đến 2011 do ảnh hưởng của các công trình thủy điện và hồ chứa nhân tạo.
Cơ chế rất đơn giản nhưng khó tin: Khi nước bị giữ lại trong các hồ chứa khổng lồ, khối lượng này tạo ra sự phân bố lại vật chất trên bề mặt hành tinh. Vỏ Trái đất, vốn nằm trên lớp phủ mềm dẻo bên dưới, sẽ bị dịch chuyển nhẹ so với trục quay. Và theo thời gian, hiện tượng này làm thay đổi vị trí tương đối của các cực.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích 6.862 đập trên toàn cầu, từ thế kỷ 19 đến nay, với lượng nước trữ đủ để đổ đầy hẻm núi Grand Canyon 2 lần. Lượng nước này cũng khiến mực nước biển toàn cầu giảm 2,3cm - một tác động ít được nhắc đến khi bàn về biến đổi khí hậu.
Trong đó, đập Tam Hiệp ở Trung Quốc là một trong những công trình có ảnh hưởng lớn nhất. Được xem là đập thủy điện lớn nhất thế giới, đập Tam Hiệp dài hơn 2.300m, cao 181m, và hồ chứa có thể tích 39,3 tỉ m3 nước, tương đương hơn 15 triệu hồ bơi Olympic.

Quá trình “trôi cực” chia làm hai giai đoạn rõ rệt: Giai đoạn 1835-1954, cực bắc di chuyển 20cm về phía đông, do đập tập trung nhiều ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Giai đoạn 1954-2011, cực tiếp tục lệch thêm 57cm về phía tây, do hàng loạt đập lớn mọc lên tại châu Á và châu Phi.
Dù việc dịch chuyển cực không gây nguy hiểm tức thời, nhưng theo nhóm nghiên cứu, ảnh hưởng đến mực nước biển là đáng lo ngại. Trong thế kỷ 20, mực nước biển tăng 12-17cm, nhưng khoảng 25% lượng nước đáng lẽ chảy ra đại dương hiện bị giữ lại sau các đập. Điều này có thể làm sai lệch các mô hình dự báo biến đổi khí hậu nếu không được tính đến.
“Chúng ta không rơi vào kỷ băng hà chỉ vì cực lệch 1m, nhưng rõ ràng đây là ảnh hưởng lớn mà con người gây ra lên hành tinh” - Natasha Valencic, tác giả chính của nghiên cứu nhận định.
Từ việc giữ nước đến việc xoay trục địa cầu, những siêu đập như đập Tam Hiệp đang chứng minh một điều: các công trình của con người không chỉ thay đổi cảnh quan, mà còn đang viết lại bản đồ địa lý của chính Trái đất.