Nghịch lý kỳ lạ khi giới trẻ Trung Quốc ném mình vào những "bữa tiệc nghỉ việc"
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc đang ở mức cao kỷ lục nhưng nhiều người trẻ ở đất nước tỷ dân lại đang hào hứng ăn mừng trong những “bữa tiệc nghỉ việc”.
Nghịch lý sau những bữa tiệc nghỉ việc
Vào ngày Liang từ bỏ công việc nhân viên ngân hàng tại tỉnh Chiết Giang, những người bạn của anh đã tổ chức một bữa tiệc tưng bừng, gõ chiêng trống chúc mừng chẳng khác gì tiệc cưới.
Việc ăn mừng khi từ bỏ một công việc ổn định với mức lương đáng ghen tỵ dường như lạ lùng, đặc biệt là giữa bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm ở Trung Quốc và tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cao kỷ lục. Đây là giai đoạn mà những vị trí Liang vừa từ bỏ dường như không có nhiều.
Tuy nhiên, Liang, 27 tuổi, vừa là một người sáng tạo nội dung vừa quản lý một quán cà phê cho biết anh cảm thấy hạnh phúc hơn sau khi nghỉ việc - điều mà nhiều người cùng cảnh ngộ như anh có chung cảm nhận.
"Tôi bị cuốn vào một công việc máy móc và lặp đi lặp lại. Nó đã tiêu tốn quá nhiều năng lượng của tôi. Những ý tưởng sáng tạo của bạn bị gạt bỏ và cuối cùng biến mất", Liang chia sẻ với CNN, đồng thời nói rằng anh cảm thất ngột ngạt khi làm việc tại phòng quan hệ công chúng của ngân hàng.
Hàng trăm bài viết về những bữa tiệc nghỉ việc được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc năm nay khi nước này chấm dứt chính sách phong tỏa do Covid-19 và đang đối mặt với những tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội. Hầu hết những người tham gia vào xu hướng này đều trong độ tuổi 20 với nhiều lý do nghỉ việc khác nhau từ lương thấp đến tình trạng cạn kiệt năng lượng.
Theo Maimai - một nền tảng tìm việc ở Trung Quốc, trong số 1.554 người lao động ở các ngành nghề khác nhau tham gia khảo sát từ tháng 1 - 10/2022, 28% trong số đó đã nghỉ việc. Con số này cao gấp đôi so với những người có ý định nhưng chưa nghỉ việc.
Một phong trào tương tự - được gọi là cuộc Đại Nghỉ việc đã diễn ra ở Mỹ với gần 50 triệu người nghỉ việc trong 2 năm. Trong khi hiện tượng này đang giảm dần ở phương Tây thì dường như nó đang bắt đầu ở Trung Quốc.
Người trẻ Trung Quốc cảm thấy vỡ mộng khi họ dành cuộc đời mình để cạnh tranh với nhau về điểm số và thang bậc nghề nghiệp song chỉ để nhận được rất ít sự hài lòng.
Các chuyên gia đánh giá, xu hướng này sẽ làm tồi tệ hơn cơn đau đầu kinh tế ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, khi mà tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động thu hẹp có thể gây ra những khó khăn cho sự tăng trưởng tương lai.
Cuộc đua khốc liệt từ trường học đến trường đời
Trẻ em Trung Quốc phải cạnh tranh từ khi còn nhỏ trong cuộc đua giáo dục không điểm dừng và đối mặt với kỳ thi cao khảo khốc liệt nhất thế giới mà hầu hết học sinh cho rằng chỉ có một lần trong đời.
"Người trẻ Trung Quốc phải đối mặt với nhiều nỗi thất vọng, tình trạng kiệt sức và bất mãn vì phải làm việc quá nhiều", Nancy Qian, Giáo sư về Kinh tế tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern cho hay.
Nhiều người trưởng thành trong thời điểm kinh tế tăng tốc tối đa và tương lai dường như rất hứa hẹn. Tuy nhiên, là kết quả của chính sách một con, trên thực tế đã được nới lỏng những năm gần đây để đảo ngược tỷ lệ sinh giảm, họ phải đối mặt với những kỳ vọng cao của cha mẹ và sự cạnh trạnh khốc liệt.
Họ được dạy rằng tất cả nỗ lực sẽ được đền đáp khi thành công về mặt tài chính. Nhưng thay vào đó, họ lại phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng có và mức lương ì ạch do kinh tế chậm tăng trưởng và văn hóa làm việc cường độ cao.
"Điều đó đi ngược với những gì họ được dạy trong suốt cuộc đời mình. Họ hoàn toàn cạn kiệt năng lượng".
Trong khi thế hệ trước tập trung vào việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản thì người trẻ ngày nay lớn lên trong một xã hội đầy đủ lại tìm kiếm ý nghĩa và mục đích sống, điều mà công việc không mang lại cho họ.
Cầu không tương xứng với cung
Cảm giác vỡ mộng ngày càng gia tăng khi thiếu sự tương xứng giữa học vấn và kỹ năng của những người trẻ hiện nay và các công việc sẵn có dành cho họ.
Trung Quốc đã xây dựng hệ thống giáo dục lớn nhất thế giới với việc đăng ký vào đại học tăng gấp đôi chỉ trong 10 năm, lên 57,8% vào năm 2021.
Tuy nhiên, theo Yao Lu - Giáo sư xã hội học tại Đại học Columbia, tỷ lệ đáng kể những người lao động quá tiêu chuẩn so với công việc của họ đồng nghĩa rằng các vị trí của họ không đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà họ đã học ở trường.
"Họ làm những công việc có lẽ tương đối ổn định với mức lương tương đối tốt nhưng những công việc này không cần đến tấm bằng đại học", chẳng hạn như các công việc hành chính tại các văn phòng địa phương hoặc tài xế giao đồ ăn.
Sự không tương xứng này đã gây ra những hệ quả xã hội nghiêm trọng, trong đó có việc người lao động thường không hài lòng với công việc và cuộc sống của mình, chuyên gia này cho hay.
Veyron Mai, sống ở thành phố Phật Sơn tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân âm nhạc nhưng không thể tìm được công việc mong muốn. Cuối cùng anh phải làm công nhân và thợ rửa ô tô trước khi trở thành một nhân viên phục vụ trong nhà hàng.
"Thậm chí nếu đeo găng tay thì công việc này vẫn khiến tay bạn bị đau và trở nên xấu xí. Sau khi làm việc 1 tháng, tôi cảm thấy xấu hổ khi người khác thấy bàn tay của mình. Làm sao tôi có thể gọi mình là một cử nhân âm nhạc?”, Veyron Mai nói.
Chuyên gia Lu cho rằng có một sự "mất cân bằng cấu trúc" giữa cung và cầu. Mặc dù nhiều người lao động có trình độ giáo dục cao hơn nhưng nền kinh tế Trung Quốc hiện tại lại không cần nhiều người lao động có kỹ năng cao như vậy và sẽ cần thời gian để chuyển đổi cấu trúc kinh tế.
Kịch bản tồi tệ nhất
Sự không tương xứng trong thị trường lao động có thể trở thành một vấn đề dài hạn và không phải là một tin tốt cho nền kinh tế vốn đã đối mặt với nhiều khó khăn như Trung Quốc hiện nay.
Trong những năm qua, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc liên tục giảm, tức là ngày càng ít trẻ em được sinh ra và nhóm người trưởng thành trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, tỷ lệ già hóa dân số ở quốc gia tỷ dân gia tăng nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu về lương hưu, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ phúc lợi khác cũng tăng lên.
Trong bối cảnh đó, "kịch bản tồi tệ nhất là nếu những người trẻ đang cảm thấy chán nản cứ tiếp tục rút khỏi lực lượng lao động, điều đó tức là ngày càng ít người lao động hỗ trợ người cao tuổi trong những năm sau này", chuyên gia Qian đnáh giá.
Xu hướng nghỉ việc có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh mặc dù điều này chưa rõ ràng.
Những người trẻ được giải phóng khỏi những giờ làm việc căng thẳng sẽ có nhiều thời gian hơn cho các mối quan hệ và lập gia đình, song cũng có thể họ sẽ trì hoãn quá trình này do "mất thu nhập và những cảm xúc chán nản".
"Bất kỳ điều gì thúc đẩy tỷ lệ sinh thấp hơn đều có thể trở thành mối lo ngại nghiêm trọng cho tương lai", chuyên gia này nhận định.
Trở lại câu chuyện của Liang, anh hiện đang điều hành một quán cà phê ở Thai Châu, Chiết Giang. Nhưng Liang chia sẻ: "Ở độ tuổi của tôi, tôi có thể nghỉ việc khi nào mình muốn. Nhưng có lẽ sau 1 hoặc 2 năm, tôi sẽ phải quay lại nơi làm việc một cách chán nản".