Năm 2025, kho bạc phấn đấu vận hành dựa trên dữ liệu số
Mục tiêu trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 là trở thành kho bạc số. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Kho bạc Nhà nước đã chia ra 2 giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn đầu (từ năm 2021 - 2026), Kho bạc Nhà nước thực hiện các giải pháp để hình thành kho bạc vận hành dựa trên dữ liệu số.
Với mục tiêu hình thành kho bạc vận hành dựa trên dữ liệu số vào năm 2025, ngoài việc cải cách hành chính, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, trong năm 2022 vừa qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tiếp tục hiện đại hóa công nghệ thông tin (CNTT), hình thành những bước đi căn bản cho chuyển đổi số.
Cụ thể, thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, KBNN đã cung cấp các tiện ích để các đơn vị thuộc khối công an có thể lập và phê duyệt ký số ủy nhiệm chi hoàn thu từ tài khoản tạm thu; kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để nhận lệnh hoàn phí, lệ phí thực hiện hoàn thu ngân sách nhà nước (NSNN).
KBNN cho biết, hiện cơ quan này đã triển khai thí điểm công nghệ ký số từ xa, giúp cho các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) không phải phụ thuộc vào thiết bị USB tocken (chữ ký số), cho phép kiểm tra sinh trắc học (khuôn mặt hoặc vân tay), chống việc cho mượn USB tocken nhằm tăng cường tính bảo mật; thực hiện thí điểm kết nối dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông, để chủ động thanh toán cho các đơn vị SDNS theo ủy quyền điện tử của đơn vị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
KBNN đã hoàn thành việc triển khai diện rộng chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN. Các đơn vị KBNN đã khai thác sử dụng chương trình phục vụ cho việc kiểm soát chi đầu tư từ khâu tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, các hạng mục dự án, công trình và theo từng hợp đồng A - B, thực hiện cam kết chi và kiểm soát thanh toán. Đồng thời, dữ liệu được tổng hợp kịp thời để lên báo cáo định kỳ theo quy định.
Bên cạnh việc nâng cấp, xây dựng các hệ thống, chương trình phần mềm ứng dụng, KBNN cũng chú trọng xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống an toàn CNTT KBNN theo chuẩn thông lệ quốc tế và chính sách an toàn thông tin; hoàn thành việc xây dựng môi trường dự phòng thảm họa cho các hệ thống CNTT. Việc làm này đã giúp hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn thông tin, giúp cho các hệ thống ứng dựng CNTT của KBNN hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.
Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số
Mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đề ra là đến năm 2025, KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.
Báo cáo từ KBNN cho biết, để thực hiện mục tiêu cho giai đoạn đầu đến năm 2025, thời gian tới dự kiến toàn hệ thống sẽ tập trung đẩy mạnh liên kết và liên thông dữ liệu số như: liên thông dữ liệu chứng từ, hồ sơ chi đầu tư; đối chiếu số dư định kỳ giữa đơn vị SDNS với KBNN; triển khai diện rộng nội dung thanh toán tự động dịch vụ điện, nước, viễn thông; liên thông dữ liệu số với cơ quan tài chính (nộp trả ngân sách cấp trên, rút dự toán bổ sung từ ngân sách cấp trên, lệnh chi trả nợ trong nước, lệnh chi trả nợ nước ngoài); liên thông dữ liệu hợp đồng điện tử từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với hệ thống của KBNN.
Trong giai đoạn 2021 - 2026, hệ thống KBNN cũng đưa ra kế hoạch tiếp tục nâng cấp Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và các hệ thống công nghệ thông tin liên quan để hình thành hệ thống quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số nhằm đáp ứng các cải cách của chiến lược phát triển KBNN như: định danh các khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) bao gồm thuế, phí, lệ phí, phạt hành chính từ đó hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ các khoản thu NSNN vừa phục vụ cho việc điều hành vừa cung cấp dịch vụ thông tin thu NSNN hiệu quả… Đổi mới cơ chế kiểm soát cam kết chi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; đổi mới cơ chế kiểm soát chi theo hướng chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm và kiểm soát rủi ro; cung cấp khả năng cơ bản về phân tích rủi ro.