A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Thủ đô (sửa đổi): Mấu chốt vẫn là vấn đề phân quyền cho Hà Nội

Các lĩnh vực cần đẩy mạnh phân quyền cho Hà Nội là bộ máy, cán bộ, biên chế, nguồn lực, tài chính, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, quy hoạch, môi trường.

Cơ chế riêng, đặc thù, đặc biệt vượt trội cho Hà Nội

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, luật này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế; Một số quy định không phù hợp với tình hình thực tiễn và chưa phát huy được hiệu quả.

Do đó, để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của Hà Nội theo các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương chuẩn bị nghiên cứu và đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô.

Tại phiên họp thứ 26 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô và đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với hồ sơ và các nội dung cơ bản của dự thảo luật, đồng thời lưu ý, đây là một đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, khó về các nội dung chuyên môn và kỹ thuật lập pháp. Do đó, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục phối hợp để hoàn thiện tốt hơn trong thời gian tới.

Nhấn mạnh đây là đạo luật riêng quy định cho Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính của cả nước, vừa là một đô thị đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định các cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội so với hệ thống pháp luật hiện hành.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Mấu chốt vẫn là vấn đề phân quyền cho Hà Nội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Đồng thời cũng là các quy định giao trách nhiệm lớn cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật Thủ đô (sửa đổi) vẫn phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan, ngoài luật này, Hà Nội phải thực hiện toàn bộ các quy định có liên quan của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện các nội dung cơ bản về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, ưu tiên đối với Hà Nội trong vấn đề phân quyền, phân cấp, ưu tiên và trách nhiệm. Xác định rõ mỗi cơ chế, chính sách có phân quyền, có phân cấp, có ưu tiên nhưng đồng thời phải có trách nhiệm.

“Đây không chỉ là ưu tiên mà đây chính là Trung ương giao trách nhiệm rất nặng nề cho Hà Nội. Nội dung này cần phải thể hiện rõ hơn trong tờ trình và trong các báo cáo thẩm tra", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ chế, chính sách đặc thù, cần phải xác định rõ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm và phải bảo đảm tính khả thi.

Đồng thời, cùng với các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, nổi trội, ưu tiên là trách nhiệm kèm theo phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô trong yêu cầu phát triển mới.

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ các cơ chế, chính sách, phân quyền, phân cấp, ủy quyền, ưu tiên, trách nhiệm rất mạnh trong các lĩnh vực bảo đảm rõ ràng, đầy đủ, đồng bộ, dứt khoát, tổng thể và khả thi.

Trong đó là vấn đề cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế, chuyên gia, tiền lương; Huy động các nguồn lực, cả ngân sách và ngoài ngân sách mạnh mẽ, hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp, phân quyền cho Hà Nội…

“Đây là Thủ đô hành chính của cả nước, là đô thị đặc biệt của cả nước thì cần phải thiết kế các điều khoản và nội dung tương tự, cả quyền hạn và trách nhiệm”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Khuyến khích bảo vệ tư tưởng dám làm, dám chịu trách nhiệm

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước cho thành phố Hà Nội.

Theo người đứng đầu Chính phủ, các lĩnh vực cần đẩy mạnh phân quyền cho Hà Nội là bộ máy, cán bộ, biên chế, nguồn lực, tài chính, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, quy hoạch, môi trường. Trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm phân quyền là thuế, nguồn lực đất đai, hình thức hợp tác công tư, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Luật Thủ đô (sửa đổi): Mấu chốt vẫn là vấn đề phân quyền cho Hà Nội

Cần quy định vê cơ chế riêng, đặc thù, đặc biệt vượt trội cho Hà Nội

Lĩnh vực y tế, giáo dục cần có hướng dẫn chuyên môn thống nhất từ Trung ương tới cơ sở, nhưng về con người và tổ chức thì tăng cường phân quyền, phân cấp. Việc phân quyền cũng hướng tới mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hơn nữa.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần quy định cơ chế đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô, do đó các quy định trong dự thảo phải linh hoạt, không cứng nhắc, dễ thực hiện.

Hồi tháng 2 năm nay, bàn về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Thủ tướng cũng yêu cầu chọn lọc cơ chế đã được cho phép thí điểm tại các địa phương khác, nếu thực tiễn chứng minh đúng và phù hợp điều kiện Hà Nội thì đưa vào dự thảo.

Theo Thủ tướng, Hà Nội cần có chính sách tạo động lực phát triển mới về đầu tư, tài chính, trong đó huy động hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực. Thủ đô cũng cần có cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao, sử dụng nhân tài. Các lĩnh vực cần ưu tiên là đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn.

Mặt khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh Hà Nội phải đi đầu trong khuyến khích bảo vệ tư tưởng dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục khuynh hướng trông chờ ỷ lại và sợ trách nhiệm.

Nêu góp ý về phân quyền cho Thủ đô trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy biên chế, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính quốc gia, nhấn mạnh, từ thực tiễn thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội đã phân cấp uỷ quyền hai mảng chính là quản lý Nhà nước và thủ tục hành chính.

"Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát triển Thủ đô cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt về biên chế, cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, có chính sách trọng dụng nhân tài, thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp đặc thù, thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố...", PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh chia sẻ.

Theo PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, thẩm quyền cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải cao hơn thẩm quyền cấp huyện để tạo tiền đề bứt phá (rút kinh nghiệm từ thành phố Thủ Đức, TP HCM).

Vì vậy, đối với thành phố trực thuộc Thủ đô cần tăng tính chủ động sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND, tổ chức chính quyền địa phương thuộc Thủ đô sao cho năng động, hiệu quả; Cho phép thành phố chủ động giao biên chế đủ đảm bảo thực hiện nhiệm quản lý hành chính Nhà nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật