A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm hàng trăm cục, vụ khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 518 cục và tổ chức tương đương, giảm 218 vụ và tổ chức tương đương.

Giảm hàng trăm cục, vụ khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy giúp giảm hàng trăm cục, vụ và các tổ chức tương đương. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp vào ngày 23-24.1, dự kiến Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp vào khoảng thời gian từ ngày 12 đến 17.2, theo văn bản của Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Nội dung này được đề cập trong văn bản số 06 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 - ký ban hành, nhằm đốc thúc các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Tại phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 hôm 11.1, Ban Chỉ đạo thống nhất phương án để trình cấp có thẩm quyền cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

Theo phương án này, bộ máy Chính phủ dự kiến có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ) và 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan).

Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 518 cục và tổ chức tương đương (trong đó giảm 59 cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, giảm 459 cục và tương đương thuộc tổng cục).

Giảm 218 vụ và tổ chức tương đương (trong đó giảm 120 vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, giảm 98 vụ và tương đương thuộc tổng cục). Giảm 2.958 chi cục và tương đương.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, quá trình sắp xếp giảm 201 đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập không quy định trong nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ).

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Ái Vân

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, việc sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng là một giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm nguồn lực và hiện đại hóa bộ máy hành chính.

"Nghị quyết số 18 của Trung ương đã đặt nền tảng cho sự thay đổi này khi nhấn mạnh đến việc nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn về quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời đề ra giải pháp kiện toàn tổ chức và thu gọn đầu mối. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn và quyết tâm cải cách để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Theo ông Sơn, hiện nay, bối cảnh kinh tế - xã hội cùng sự phát triển về cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình này.

Sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng không chỉ giúp khắc phục những hạn chế liên quan tới chồng chéo chức năng giữa các cơ quan và sự lãng phí nguồn lực mà còn tạo ra sự phối hợp hiệu quả hơn, đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật