A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU ra tay quyết liệt với tài sản Nga bị đóng băng

EU sẽ trích 3 tỉ euro từ tài sản Nga bị đóng băng để bồi thường cho các nhà đầu tư phương Tây.

EU ra tay quyết liệt với tài sản Nga bị đóng băng

Biểu tượng đồng Euro ở Frankfurt, Đức. Ảnh: Xinhua

Liên minh châu Âu (EU) vừa cho phép tổ chức lưu ký chứng khoán Euroclear có trụ sở tại Bỉ phân phối lại khoảng 3 tỉ euro (3,4 tỉ USD) từ nguồn tài sản Nga bị đóng băng, theo hãng tin Reuters ngày 3.5.

Số tiền này sẽ được chuyển cho các nhà đầu tư phương Tây có tài sản bị mắc kẹt tại Nga sau khi xung đột Ukraina bùng phát.

Động thái này lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ Điện Kremlin, gọi đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina vào tháng 2.2022, hàng loạt quốc gia phương Tây đã đóng băng khoảng 264 tỉ euro tài sản của Nga, bao gồm cả tài sản nhà nước và tư nhân. Trong đó, riêng Euroclear đang giữ khoảng 200 tỉ euro. Số tiền đóng băng này phát sinh lợi nhuận từ lãi suất, và đã có 1,55 tỉ euro được EU chuyển cho Ukraina vào tháng 7.2024.

Lần này, Euroclear được “bật đèn xanh” để sử dụng 3 tỉ euro từ khoản tiền mặt trị giá 10 tỉ euro, thuộc về các cá nhân và tổ chức Nga nằm trong danh sách trừng phạt của EU.

Đây là hệ quả của việc điều chỉnh khung pháp lý trừng phạt của EU vào cuối năm 2024, cho phép sử dụng lãi suất và tài sản bị đóng băng nhằm hỗ trợ Ukraina hoặc bồi thường cho nhà đầu tư phương Tây bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trả đũa của Nga.

Một tài liệu ngày 1.4 được Reuters tiếp cận cho thấy Euroclear đã thông báo cho các khách hàng: "Chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền để giải phóng khoản bồi thường và cung cấp cho các bên tham gia”.

Theo Reuters, để đáp trả, Mátxcơva đã tịch thu khoảng 3 tỉ euro của Euroclear tại các tổ chức lưu ký trong nước để đền bù cho các nhà đầu tư Nga chịu thiệt hại từ lệnh trừng phạt phương Tây.

Tháng 11.2024, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố nước này sẽ dùng lãi thu được từ tài sản phương Tây bị đóng băng tại Nga như một biện pháp đối phó tương xứng. Cùng lúc, Nga đã khởi kiện gần 100 vụ chống lại Euroclear mặc dù chưa có thông tin chi tiết về tình trạng pháp lý của các vụ việc.

Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nhấn mạnh rằng Nga sẽ không từ bỏ quyền lợi đối với tài sản đang bị phương Tây đóng băng, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ chúng.

Mặc dù Ủy ban châu Âu và nhiều quốc gia thành viên như các nước vùng Baltic thúc giục sử dụng tài sản Nga để hỗ trợ Ukraina, song nội bộ EU vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc tịch thu toàn bộ tài sản bị đóng băng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa hồi tháng 3 thừa nhận EU không thể tự ý giải phóng tài sản Nga, do lợi tức từ các khoản đầu tư này đang được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay quân sự mà Nhóm G7 cấp cho Ukraina.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng bước đi mới của Euroclear có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong hệ thống tài chính quốc tế, khi tài sản của một quốc gia có thể bị sử dụng làm công cụ đàm phán địa chính trị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật