A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới, sáng tạo để phát huy giá trị Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Ngày 30/5, UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023.

Dự buổi lễ, về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Về phía lãnh đạo TP Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Đại diện các Sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên...

Phát huy giá trị Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân
Quang cảnh hội nghị

Tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sự sáng tạo trong Nhân dân

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn TP luôn có sự tham gia đông đủ của các tầng lớp Nhân dân trong các cộng đồng dân cư. Từ đó, tạo được sự đồng thuận xã hội, huy động tiềm năng và sự sáng tạo của Nhân dân trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ văn hóa, kinh tế, chính trị của địa phương, TP và đẩy mạnh chất lượng hiệu quả hơn nữa trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.

Nhờ đó, tỷ lệ hỏa táng năm sau luôn cao hơn năm trước, đến năm 2022 đã đạt 71%. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa ngày càng cao, năm 2022 có 1.360/2.149 thôn danh hiệu “làng văn hóa” (đạt 63%); 2.356/3.249 tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt 72.5%); Số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ước đạt 71,8%.

Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, 5 năm gần đây, MTTQ các cấp đã vận động trên 132,5 tỷ đồng ủng hộ Nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ; Vận động trên 236 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”. Quỹ “Vì người nghèo” của 3 cấp từ 2016 đến nay, đạt tổng số tiền trên 303 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 7.637 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho 10.476 người nghèo.

Đặc biệt, trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ, MTTQ Việt Nam TP đã tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch; Đã tiếp nhận ủng hộ tổng số tiền và hàng hóa trị giá 916,8 tỷ đồng; Tiếp nhận, ủng hộ Quỹ "Vắc xin phòng, chống COVID-19" của Trung ương 556,3 tỷ đồng; Tiếp nhận 14 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và các thiết bị học trực tuyến trị giá hàng chục tỷ đồng; Chuyển hỗ trợ công tác phòng, chống dịch 846,564 tỷ đồng.

Nhiều hoạt động sáng tạo do Mặt trận các cấp triển khai để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đã huy động sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được Nhân dân đồng tình và đánh giá cao như: Mô hình “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”... Chương trình “Đoàn kết chống dịch” cung cấp số điện thoại đường dây nóng từ TP đến cơ sở để hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn...

Phát huy giá trị Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn báo cáo tại hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết: Trong 20 năm qua, toàn TP đã có 89.485 khu dân cư tổ chức ngày hội, trong đó 78.903 khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội (đạt tỷ lệ 88%), có 23.992 khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” trong ngày hội.

Ngoài ra, vào các năm chẵn ở từng địa phương, thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức các hoạt động có quy mô lớn và đưa nhiều nội dung thiết thực, có ý nghĩa và sáng tạo vào trong chương trình phần hội như: Tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm OCCP của các làng nghề, quảng bá hình ảnh, di tích, di sản văn hóa, lễ hội được UNESCO công nhận. Đặc biệt, tại các ngày hội có sự góp mặt của những lưu học sinh, học sinh là người nước ngoài tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ, tăng cường sự đoàn kết Nhân dân địa phương và Nhân dân các nước, tạo không khí, vui tươi, sôi nổi...

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy giá trị Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen của Thành ủy Hà Nội cho các cá nhân

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) Cam Văn Vũ chia sẻ, các khu dân cư trên địa bàn xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo thời gian tổ chức ngày hội. Ban Công tác Mặt trận mời những người con xa quê, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú về dự ngày hội.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận số 6, phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Phạm Thị Hồng Sim thông tin: Ngày hội Đại đoàn kết tại địa bàn dân cư đã được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, động viên các tầng lớp Nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn.

Gắn Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân với các nhiệm vụ địa phương

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy nhấn mạnh: Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những điểm sáng trong công tác Mặt trận của TP Hà Nội; Đồng thời, đánh giá cao sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo TP, sự chủ động, cố gắng, nỗ lực của MTTQ các cấp TP trong tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Ngày hội có hiệu quả.

Phát huy giá trị Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại hội nghị

Nhấn mạnh, việc tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tôc" thời gian tới tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm của MTTQ Việt Nam các cấp trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp TP Hà Nội bám sát bối cảnh, tình hình và điều kiện của từng địa bàn, chủ động đề xuất giải pháp mới, tạo điểm nhấn tích cực trong tổ chức, lựa chọn chủ đề hằng năm phù hợp để Ngày hội trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Ngày hội góp phần quan trọng, tạo động lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng tại các địa phương...

Đồng thời, Ủy ban MTTQ các cấp chú trọng phát hiện, tôn vinh và biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, các mô hình hữu ích cho cộng đồng... làm cơ sở thu hút, tập hợp và phát huy các giá trị trong tổ chức Ngày hội tại mỗi địa phương.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, đoàn kết là một truyền thống quý báu, là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh của dân tộc. Qua rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là đại dịch COVID-19, Thủ đô bình an, tiếp tục phục hồi, phát triển, là minh chứng rõ nét trong việc thực hiện quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Phát huy giá trị Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của MTTQ Việt Nam và chính quyền các cấp ở Thủ đô đã đạt được trong việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trong 20 năm qua; Đồng thời nhấn mạnh những nhiệm vụ lớn đang đặt ra đối với Thủ đô trong thời gian tới; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ TP tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương về đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng bộ.

MTTQ TP cần tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu với các cấp Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên nhằm phát huy vai trò, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; Phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội; Gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, MTTQ TP biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở.

Phát huy giá trị Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Bằng khen của UBND TP cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia Ngày hội, là những nhân tố tích cực kết nối, lan toả tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư; Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tham mưu, tổ chức, phối hợp thực hiện của đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc triển khai tổ chức Ngày hội.

“Ban Thường vụ Thành uỷ yêu cầu các cấp uỷ Đảng trực thuộc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức có hiệu quả Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu.

Phát huy giá trị Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao Bằng khen của UBND TP cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Nhân dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen cho 3 tập thể; Thành ủy Hà Nội tặng bằng khen 10 tập thể, 10 cá nhân; UBND TP Hà Nội tặng bằng khen cho 30 tập thể, 31 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tặng bằng khen cho 116 tập thể, 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan