A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cánh cửa mới ở châu Âu sau cú sốc mất khí đốt Nga

Việc khí đốt Nga qua Ukraina bị dừng từ ngày 1.1 đã buộc Trung Âu phải nhanh chóng điều chỉnh các luồng cung ứng.

Cánh cửa mới ở châu Âu sau cú sốc mất khí đốt Nga

Ukraina dừng trung chuyển khí đốt Nga đến châu Âu từ ngày 1.1.2025. Ảnh: Rogtec

Reuters đưa tin, dữ liệu từ các nhà điều hành mạng lưới cho thấy những thay đổi đáng kể trong mô hình phân phối khí đốt của Trung Âu khi các nguồn nhập khẩu từ Đức và Italy tăng mạnh để bù đắp sự thiếu hụt.

Trước thời điểm hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraina hết hạn, Áo vẫn nhận khí đốt qua Slovakia, dù nguồn cung từ tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đã bị cắt từ tháng 11. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, quốc gia này đã chuyển sang tăng cường nhập khẩu từ Đức và Italy, theo báo cáo hàng ngày của Cơ quan Quản lý Lưới điện Áo.

Khí đốt từ Slovakia đến Cộng hòa Czech và Áo cũng đã ngừng chảy do hợp đồng trung chuyển giữa Nga và Ukraina không được gia hạn. Hiện tại, Slovakia chủ yếu dựa vào tuyến kết nối với Hungary, nơi nhận khí đốt từ đường ống TurkStream của Nga.

Đường ống dẫn khí TurkStream. Ảnh: Gazprom

Đường ống dẫn khí TurkStream. Ảnh: Gazprom

Dữ liệu từ Eustream, nhà vận hành mạng lưới khí đốt Slovakia, ghi nhận dòng chảy hàng ngày từ Hungary đến Slovakia đạt 87 GWh vào ngày 6.1 - mức cao nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên, những dòng khí đốt này hiện chỉ được sử dụng nội địa, không xuất khẩu sang Áo hay Cộng hòa Czech.

SPP, nhà cung cấp khí đốt chính của Slovakia, cho biết tuyến đường từ Hungary là giải pháp thay thế quan trọng khi dòng chảy qua Ukraina dừng lại. Tuy nhiên, họ ưu tiên một lộ trình qua Đức, Cộng hòa Czech hoặc Áo, nhưng dữ liệu cho thấy tuyến này chưa được sử dụng.

Trong khi đó, Cộng hòa Czech - quốc gia không có hợp đồng trực tiếp với Gazprom - đã chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn từ mạng lưới khí đốt Đức. Năm 2023, Czech gần như không sử dụng khí đốt Nga, nhưng lượng nhập khẩu từ phía đông tăng lên vào năm 2024 do phí vận chuyển từ Đức khiến chi phí tăng cao. Tuy nhiên, phí này đã được hủy bỏ từ ngày 1.1, giúp Czech dễ dàng quay lại sử dụng nguồn cung từ phương Tây.

Dữ liệu từ NET4GAS cho thấy, ngày 6.1, Cộng hòa Czech nhận 177 GWh khí đốt từ Đức và không xuất khẩu khí đốt ra ngoài lãnh thổ.

Việc Nga dừng cung cấp khí đốt qua Ukraina đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cấu trúc năng lượng Trung Âu, buộc các quốc gia phải tìm kiếm các tuyến đường và nguồn cung thay thế. Khi các dòng chảy từ Đức và Italy ngày càng quan trọng, sự thay đổi này có thể định hình lại bản đồ năng lượng của khu vực, giảm sự phụ thuộc vào Nga trong dài hạn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật